Lãng phí

Lãng phí
TP - Hội nghị xúc tiến bay đến năm sân bay quốc tế của Việt Nam diễn ra đúng dịp, tuy có thể là vô tình, đang có những tranh cãi xung quanh một dự án xây dựng sân bay lớn nhất nhì Việt Nam:

> Sân bay quốc tế phục vụ… quốc nội
> Đầu tư dự án, phải ký quỹ 100 tỷ đồng
> Cổ phần hóa Cảng Nha Trang và cảng Cam Ranh

Sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai. Khi sân bay này được hoàn thành, cùng việc nâng cấp sân bay Cát Bi (Hải Phòng) thành cảng hàng không quốc tế, hỗ trợ sân bay Nội Bài ở phía Bắc, Việt Nam sẽ có tới 10 sân bay quốc tế.

Sẽ là khập khiễng khi so sánh con số sân bay nói chung và sân bay quốc tế nói riêng của từng quốc gia, bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố địa hình, nhu cầu quốc nội liên quan quy mô dân số, hoạt động thương mại, du lịch… Ví như Nhật Bản, một cường quốc kinh tế-thương mại với dân số gần 130 triệu dân mà chỉ có 5 sân bay quốc tế, ít hơn hẳn Việt Nam.

Trong khi đó, Thái Lan với diện tích nhỉnh hơn ta nhưng tổng dân số chỉ khoảng 64 triệu dân, hay Philippines, diện tích nhỏ hơn Việt Nam với khoảng 300 ngàn cây số vuông cùng 90 triệu dân, đều có tới hàng chục sân bay quốc tế.

Tuy nhiên, với 8 sân bay quốc tế ở thời điểm hiện tại của một quốc gia địa hình nhỏ hẹp, trải dài mà trong đó 5 cảng hàng không đang trong tình trạng ế ẩm, đìu hiu thì chắc chắn lãng phí trong đầu tư là điều dễ nhận thấy.

Theo cơ quan quản lý, khả năng khai thác quốc tế của sân bay Cần Thơ, Phú Quốc lần lượt là 1,5 triệu lượt khách/năm. Tuy nhiên, chỉ có sân bay Cần Thơ thi thoảng tiếp nhận một số chuyến bay quốc tế, thuê chuyến đưa khách “đi Đài Loan”.

Cả hai được đầu tư hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế nhưng hầu hết chỉ phục vụ các đường bay nội địa. Mà cả nội địa cũng èo uột, chỉ bằng 1/10 công suất phục vụ.

Và để thuyết phục các nhà kinh doanh hàng không nước ngoài, Bộ Giao thông-Vận tải, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, thông tin rằng, hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay đều đạt trên 80-90%. Nhưng điều này sẽ trở nên kém hấp dẫn khi người ta nêu câu hỏi, hiện có bao nhiêu chuyến bay quốc tế đến và đi từ sân bay này mỗi tuần. Và câu hỏi quan trọng hơn đối với người dân, sự lãng phí này sẽ tồn tại bao lâu, có khắc phục được không và ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Tất nhiên, quy hoạch ở tầm vĩ mô không bao giờ là chuyện đơn giản và dễ thấy, như bày ra trước mắt được. Rất có thể hôm nay một công trình được xem là lãng phí có thể phát huy hết công năng hiệu suất trong nay mai.

Nhưng chuyện đìu hiu ở 5/8 sân bay quốc tế và ngay chính sự kiện hội nghị kêu gọi xúc tiến bay cho 5 sân bay này chứng tỏ thời điểm đầu tư và hiệu suất khai thác hạn chế là điều rõ ràng. Nó đồng nghĩa với lãng phí một nguồn tiền bạc không nhỏ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG