Lao động công ích

Lao động công ích
TP - Từ một hội thảo do Bộ Tư pháp chủ trì về sửa đổi Bộ luật Hình sự, xuất hiện ý kiến đề xuất cần chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù. Ý kiến này có lẽ xuất phát từ việc thi hành hình phạt tiền - mở rộng ra là cả việc thi hành phần dân sự, án phí đối với những người bị kết án hình sự - trong những năm qua đạt kết quả không tốt.

Theo một số liệu thống kê, tính đến hết tháng 9/2014, hơn 130 ngàn phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam thuộc Bộ Công an phải thi hành số tiền phạt và các nghĩa vụ tài sản khác, số tiền tổng cộng lên đến 13.371 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thu được từ số phạm nhân này chỉ đạt 5,57% tổng số tiền phải thi hành.

Việc chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù được một số nước áp dụng. Theo thạc sỹ Nguyễn Công Long (Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội), Luật Hình sự Thụy Điển quy định “Nếu người bị kết án không nộp tiền phạt, hình phạt tiền sẽ được chuyển thành phạt tù với thời hạn từ 14 ngày đến 3 tháng, theo quy định của luật thực thi về hình phạt tiền”. Luật Hình sự bang Georgia (Mỹ) quy định: “Trong trường hợp không chịu nộp tiền phạt, lao động công ích hoặc phạt tù sẽ được thay thế theo quy định của bộ luật này”.

Việt Nam có cần quy định việc chuyển đổi hình phạt tù thành hình phạt tiền? Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã nêu định hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự: “Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm”. Việc chuyển đổi hình phạt tiền sang hình phạt tù sẽ chất thêm gánh nặng công việc cho tòa án và các trại cải tạo. Đối với người phạm tội, việc này mang tính răn đe nhiều hơn là giáo dục.

Nên chăng, ngoài các hình phạt (phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn…) như hiện nay, Bộ luật Hình sự cần quy định thêm hình phạt “lao động công ích”. Đây là một loại hình phạt được nhiều nước áp dụng. Những người vi phạm hành chính, phạm tội ở mức độ ít nghiêm trọng, hoặc bị phạt tiền nhưng không thi hành, đều có thể bị áp dụng hình phạt này.

Theo nhiều chuyên gia, hình phạt “lao động công ích” có giá trị giáo dục cao, đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội cũng như cho chính người vi phạm pháp luật. Sau khi tung cú “kungfu” vào một cổ động viên đội bạn, Eric Cantona - cầu thủ lừng danh thế giới của đội bóng thành Manchester United - đã phải chịu hình phạt lao động công ích nhiều tháng, cụ thể là dạy bóng đá cho các trẻ em tại một trường năng khiếu. Hình phạt đó đủ để giáo dục Cantona không tái phạm hành vi xấu, vừa giúp cầu thủ này không bị cách ly hoàn toàn với bóng đá, lại vừa tốt cho các em nhỏ yêu bóng đá.

Dễ nhận thấy, nếu được quy định chặt chẽ, “lao động công ích” không chất thêm gánh nặng cho tòa án và các trại giam, trại cải tạo. Đây là một giải pháp rất cần được nghiên cứu để có thể áp dụng, vì nó phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay của nước ta. Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, việc áp dụng hình phạt này sẽ giúp đẩy mạnh kết quả thi hành hình phạt tiền, bởi chỉ những người thực sự không có điều kiện thi hành hình phạt tiền mới chọn hình thức lao động công ích.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.