Lệch chuẩn

Lệch chuẩn
TP - Có thể nói việc thu hồi cuốn truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” đã thể hiện quan điểm của cơ quan quản lý văn hóa và chắc chắn là cả quan điểm của một số học giả về hiện tượng ngôn ngữ của tuổi teen.

> 'Thu phí' ra Quốc hội

Nhưng nhìn rộng ra một chút, ấn phẩm với những “thành ngữ sành điệu” được cụ thể hóa hay hình ảnh hóa qua nét vẽ của họa sỹ Thành Phong không đáng bị đối xử như vậy.

Bởi bỏ qua vài “hạt sạn” nào đó theo quan điểm của những người theo trường phái bảo thủ, cuốn truyện hầu như vô hại, không những vậy, xét theo góc độ nào đó còn là sự sáng tạo.

Và không thể phủ nhận một điều, không có cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” thì trong xã hội vẫn tồn tại những ngôn ngữ ấy bởi hằng ngày những người trẻ vẫn nói, vẫn viết, vẫn chat hay email với nhau bằng những câu “xì tin” ấy.

Thậm chí, việc thu hồi ấn phẩm nói trên lại càng khiến nó nổi tiếng hơn và người ta chỉ cần “ba nốt nhạc” là tìm ra một bản PDF cuốn sách trên mạng internet.

Nói cho công bằng, ngoài những “thành ngữ” vô nghĩa, vô hại, cốt nói cho vần, cho vui như “bó tay con gà quay”, “sát thủ đầu mưng mủ”, “đẹp trai có gì là sai”… vẫn có những câu nói có tính sáng tạo trong sử dụng ngôn ngữ: “cố quá thành quá cố”, “đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm”, “đâu có đó, thịt chó có mắm tôm”, “đầu to óc bằng quả nho”, “môi hở răng hô”…

Thậm chí, nhưng câu bị chỉ trích như “được voi đòi Hai Bà Trưng, “bộ đội phải chơi trội”, nếu nhìn thoáng đi chút, cũng có thể chấp nhận được.

Mà suy rộng ra, hiện tượng ngôn ngữ như ai đó gọi là lệch chuẩn ấy không phải là điều gì mới mẻ, không phải thời đại @ mới xuất hiện.

Chỉ có điều với công cụ mạng toàn cầu, nhiều người, trong đó có những người bảo thủ, biết đến sự tồn tại của chúng nhiều hơn mà thôi. Một nhà nghiên cứu ngôn ngữ được nói là rất rành tiếng Pháp, từng kể rằng, cách nay vài chục năm, ông qua Pháp và tiếp xúc với nhiều giới.

Tuy nhiên, khi đi dạo ở công viên, nghe các bạn trẻ Pháp nói chuyện, ông chỉ hiểu được 30% vì họ sử dụng ngôn ngữ “lệch chuẩn” rất nhiều.

Ai học ngôn ngữ đều hiểu rằng chúng bắt nguồn từ cuộc sống, từ cuộc sống sinh ra và cũng có thể bị cuộc sống đào thải, khi không còn tác dụng.

Vậy thì hãy có cái nhìn bao dung với ngôn ngữ của giới trẻ, bởi nói đến cùng, ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt suy nghĩ, bản thân chúng không có lỗi gì cả.

Có lẽ hay hơn cả là một thái độ tôn trọng những điều mới mẻ một cách bình tĩnh, cởi mở. Và có thể chắc chắn rằng những điều tiến bộ luôn luôn có yếu tố mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG