Lo chuyện nước

Lo chuyện nước
TP - Đầu năm, phụ huynh chưa kịp mừng vì thêm một năm học mới, con cái được trưởng thành hơn lại đối mặt với nhiều nỗi lo: học phí, bảo hiểm, đồng phục, đồ ăn, thức uống.

Ở nhà, bố mẹ cẩn thận lựa chọn thực phẩm, nước uống cho con. Nhưng ở trường con có thể phải ăn đồ hết date, uống những loại nước rẻ tiền, thậm chí là hàng nhái, sản phẩm trôi nổi. Khi cơ quan chức năng phát hiện ra những xe thùng chở thực phẩm hôi thối, hết date đang trên đường tuồn vào trường học hay kiểm nghiệm ra vô số loại vi khuẩn trong nước uống vượt mức cho phép, cha mẹ mới tá hỏa. Lo đến thắt lòng.

Con lớn thì còn đỡ, chỉ cần nhét vào túi chai nước được mẹ lọc kỹ, đun sôi. Lưng còng vì cõng sách vở nay phải còng thêm vì cõng nước. Chẳng có sao, miễn là con có nước tinh khiết để uống. Nhưng con nhỏ chưa biết khát tự lấy nước trong ba lô ra uống đành phải phụ thuộc nhà trường, cho gì uống nấy.

Cũng như TPHCM, Hà Nội hiện có hơn 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng bình được cấp phép, được kiểm tra hằng năm nhưng thử hỏi bên ngoài còn có bao nhiêu cơ sở sản xuất nước đóng bình trôi nổi theo phương thức xúc rửa bình bằng xà phòng? Bao nhiêu sản phẩm không được kiểm định chất lượng kịp qua mặt cơ quan chức năng tuồn ra thị trường tiêu thụ mỗi ngày?

Ngoài cơ quan chức năng, nhà trường cũng cần tăng cường trách nhiệm về chất lượng nước uống cho học sinh, chứ không chỉ đơn giản là ký xoẹt hợp đồng với nhà cung cấp (thường đi kèm với “hoa hồng”, “phết phẩy...”). Theo lý giải của các trường, cơ quan chức năng đã kiểm định và đơn vị cung ứng có trách nhiệm kiểm nghiệm nước định kỳ. Tin sao được, khi ở nhiều tòa nhà chung cư, gần 100% người dân phải bỏ tiền triệu để lắp máy lọc nước. Chỉ vì không tin tưởng chất lượng nước được gọi là “sạch” của Thủ đô. Bởi vì thỉnh thoảng, họ tự bỏ tiền lấy mẫu nước đi kiểm định và tá hỏa khi thấy nước chứa kim loại nặng, thạch tín… vượt mức cho phép rất nhiều lần.

Nói như chuyên gia thực phẩm TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu chỉ để cho doanh nghiệp kiểm định, kết quả bao giờ cũng như mơ. Cơ quan chức năng giữ vai trò kiểm định nhưng rồi lại có lý do “lực lượng mỏng”, “doanh nghiệp làm nhái ngày càng tinh vi”…, nên có không ít đơn vị kịp tuồn ra thị trường hàng trăm nghìn sản phẩm không đạt chuẩn. Người dân, học sinh đã sử dụng hàng năm trời mới kịp phát hiện thì nếu có độc cũng đã ngấm vào người còn đâu? Uống nước nhiễm khuẩn kim loại nặng… chưa chắc phải nhập viện ngay. Nhưng ai dám bảo đảm rằng, các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ không bệnh tật sau này?

MỚI - NÓNG