Lơ lửng nỗi lo

Lơ lửng nỗi lo
TP - Sự cố sập giàn giáo tại dự án Cát Linh - Hà Đông đang được điều tra rốt ráo. Nhiều đơn vị phải giải trình; nhiều lãnh đạo đã bị kỷ luật, giáng chức. Nhưng các động thái đó chưa đủ làm cho những người hàng ngày đi qua dự án thoát khỏi ám ảnh thần chết đang lơ lửng trên đầu.

Trên các chuyến taxi ở Hà Nội một ngày sau sự cố, tài xế nói nhiều về chiếc xe của đồng nghiệp bị đè bẹp dưới khối bê tông, sắt thép tại dự án trên. “Tai nạn có trừ ai. Lái xe taxi nói làm gì, đến công an còn bị sắt quật chết. Tôi sợ nhưng vẫn phải chạy kiếm cơm. Mà nước mình nghèo, cái gì cũng lộn xộn, có gì mà hổ thẹn” - một tài xế taxi trò chuyện với PV Tiền Phong trên cuốc xe chiều qua.

Người tài xế thạo tin nhắc lại sự cố thanh sắt từ trên cao văng xuống đường làm chết một học viên trường Đại học An ninh hôm 6/11. Sau sự cố, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ráo riết chỉ đạo, ban hành chỉ thị chấn chỉnh an toàn. Người đứng đầu đơn vị thi công bị kỷ luật. Bộ trưởng GTVT lúc đó còn có một hành động đẹp là xin việc cho vợ nạn nhân bị tử vong về gần nhà để dễ bề chăm sóc con nhỏ.

Nhưng tai nạn đó mới qua đi hơn một tháng, vụ tai nạn khác lại xảy ra. Như thường lệ, vẫn những quyết định nhanh chóng được đưa ra. Một thứ trưởng GTVT đích thân xuống hiện trường chỉ đạo; rồi lập tổ điều tra; giáng chức Tổng GĐ Ban quản lý dự án Đường sắt và cảnh cáo các đơn vị liên quan. Và lại rà soát tổng thể quy trình.

Nhưng vào chiều qua, một chiếc xe buýt lại bị sụt xuống hố ga cạnh nơi xảy ra vụ sập giàn giáo. Có vẻ như những chỉ thị, những đợt kiểm tra, những quyết định cách chức không bịt hết được các lỗ hổng trên công trường.

Một số quan chức ngành GTVT mà chúng tôi gặp sau sự cố mang tâm trạng ngại ngùng. Không ngại ngùng sao được khi những quyết tâm chưa biến thành hành động. Không hổ thẹn sao được khi mỗi công nhân, cán bộ không thấy được ý thức trách nhiệm của chính mình sau mỗi tai nạn nghề nghiệp, gây họa cho người vô tội.   

Cát Linh - Hà Đông là dự án tàu điện đô thị đầu tiên của cả nước. Khi hoàn thành (dự kiến vào cuối năm 2015), đây là chìa khóa quan trọng để giải bài toán ùn tắc cho Thủ đô, để người Việt Nam lần đầu tiên được sử dụng phương tiện hiện đại đã phổ biến trên thế giới.

Chúng ta thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên phải nhờ nước ngoài cho vay tiền và chủ trì xây lắp. Nhưng không phải vì thế chúng ta phụ thuộc, buông lơi và treo lơ lửng nỗi lo trên đầu người dân.

MỚI - NÓNG