Lơ lửng trách nhiệm

TP - Đang lưu thông trên đường phố thủ đô, bỗng dưng bị giàn giáo, cốp pha, thanh sắt… từ trên trời rơi trúng đầu. Có vụ ô tô bẹp rúm, có vụ người đi xe máy ngã văng ra đường, hậu quả có người tử nạn, người chấn thương sọ não, đủ kiểu.

Tuần qua, vụ người mẹ trẻ đơn thân đang nuôi con nhỏ bị thanh sắt rơi trúng đầu chết tại chỗ trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), rất đáng buồn một lần nữa lại nối dài thêm danh sách những tai nạn từ “trên trời rơi xuống” giữa thủ đô.

Đau xót thay, cái chết tức tưởi của người mẹ trẻ nêu trên cũng như các nạn nhân xấu số khác, đều chung nhau ở một điểm: Đang yên bình, chết bất thình lình, không biết vì sao mình chết.

Những nạn nhân vô tội không biết vì sao mình chết, song những người chịu trách nhiệm về quản lý an toàn lao động trên các công trường xây dựng đang mọc lên như nấm giữa thủ đô buộc phải biết, vì sao họ chết.

Điều 33, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định “Trách nhiệm của các bộ trong việc quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động” có nêu tên hàng loạt bộ ngành, trong đó có Bộ Xây dựng và Bộ LĐTB&XH. Ở cấp địa phương thuộc trách nhiệm quản lý của cấp sở tương ứng.

Trong trường hợp tai nạn cụ thể nêu trên, ngoài trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, dư luận không thể không đặt câu hỏi: Vậy thanh tra xây dựng, thanh tra an toàn lao động ở đâu?

Ở Hà Nội, ai cũng biết thanh tra xây dựng có mặt khắp mọi nơi, có người ví “một nhát cuốc động thổ” cũng không thể qua mắt được lực lượng này. Người dân không thể xây nhà không phép, càng không có chuyện giấy phép ghi 4 tầng, xây 5 tầng mà thanh tra lại không biết.

Chỉ lạ một điều. Hàng ngày ai cũng nhìn thấy những chiếc cần cẩu vi phạm quy định an toàn, vươn tay cẩu ra tới giữa đường, ai cũng dễ dàng bắt gặp những công trình xây dựng thiếu rào chắn, thiếu lưới che bảo vệ trên cao theo quy định… Lẽ nào lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra an toàn lao động lại không biết?

Chừng nào còn những chiếc cần cẩu lơ lửng trên đầu người đi đường, chừng nào danh sách những vụ tai nạn “từ trên trời rơi xuống” còn nối dài, chừng đó trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn lao động còn lơ lửng đâu đó giữa các bộ ngành chức năng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.