Lo ngại 'tảng băng chìm'

Lo ngại 'tảng băng chìm'
TP - Theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ đầu năm 2010, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.

Như vậy, các khoản như vay vốn ODA, phát hành trái phiếu chính phủ (trong và ngoài nước), trái phiếu công trình đô thị, hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đều được xem là nợ công.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, người chịu trách nhiệm về quản lý nợ công, khẳng định, hiện nợ công của Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn, theo quy định của Chính phủ (ngưỡng an toàn 50% GDP). Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định, so với ngưỡng an toàn (50% GDP) thì nợ công của Việt Nam đang được bảo đảm.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Benedict Bingham - đại diện IMF tại Việt Nam, không nên dựa vào ngưỡng nợ an toàn để cho rằng tỷ lệ nợ ấy đang ở ngưỡng an toàn. Vì thực tế có nhiều nước xảy ra khủng hoảng ngân sách có mức nợ công thấp như: Ukraina năm 2007 chỉ nợ bằng 13% GDP từ các doanh nghiệp nhà nước, Thái Lan năm 1996 chỉ nợ bằng 15% GDP từ hệ thống các doanh nghiệp, ngân hàng…

Chưa kể, do hiện nay các khoản nợ tạm ứng từ hệ thống ngân hàng, những khoản nợ ngầm của khu vực công (trong doanh nghiệp nhà nước) dù không được Chính phủ công khai bảo lãnh và đương nhiên chưa được thống kê vào nợ công của Việt Nam, nhưng rất đáng lo ngại, nó như tảng băng chìm của nợ công.

Bởi các khoản nợ này có tác động không nhỏ đến tình hình nợ công của Chính phủ. Vì khi các khoản nợ ngầm trở thành nợ xấu, mất khả năng thanh toán nó tác động tiêu cực đến hệ thống các ngân hàng, và cuối cùng Chính phủ cũng là người đứng ra gánh chịu.

Như trường hợp vụ Vinashin, số nợ của tập đoàn này theo công bố của Chính phủ hơn 86.000 tỷ, trong đó thực tế Chính phủ chỉ bảo lãnh khoản tín dụng 750 triệu USD và một số khoản khác, còn một phần lớn số nợ do tập đoàn này vay các ngân hàng trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu....Nhưng khi tập đoàn này vỡ nợ, Chính phủ phải đứng ra cơ cấu lại, giải quyết nợ nần.

Một nguy cơ tiềm ẩn khác, chính là việc sử dụng vốn vay. Bởi hiệu quả của việc sử dụng vốn vay quyết định đồng vốn ấy có sinh lời để trả nợ trong tương lai. Song, hiện nay dường như cơ quan quản lý và cả người đi vay mới chỉ chú trọng đến khía cạnh giải ngân cho được các khoản vay, bán cho được trái phiếu, thu tiền về, chứ ít quan tâm hiệu quả việc sử dụng đồng vốn ra sao, cơ chế giám sát việc thực hiện khoản vay, trả nợ thế nào.

Nhìn từ việc sử dụng vốn vay của Vinashin, trước khi bị bắt, trả lời Tiền Phong, cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình cho biết: Sau khi nhận được 750 triệu USD từ khoản vay của Chính phủ bảo lãnh, Vinashin đã đầu tư hết ngay.

Theo ông Bình, số tiền này chủ yếu đầu tư vào xây dựng các nhà máy đóng tàu (khoảng 28 nhà máy đóng tàu trên cả nước). Việc Vinashin vỡ nợ, thể hiện việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, trong khi hầu như không được cơ quan chức năng giám sát. Một doanh nghiệp hay một chính phủ vay nợ là chuyện bình thường, nó chỉ không bình thường khi những đồng vốn đó được sử dụng lãng phí, không hiệu quả.

MỚI - NÓNG