Lo phát triển

Lo phát triển
TP - Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, đổi mới chất lượng giáo dục và xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề…là những đầu việc không mới nhưng không hề dễ thực hiện hiện nay.

Ở thượng tầng, những cảnh báo về việc doanh nghiệp phải sẵn sàng tự thân vận động, khi thời điểm mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập quốc tế đang sầm sập đổ đến dường như rơi vào thinh không. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, với 98% số lượng doanh nghiệp, ngày càng teo tóp. Những đầu tàu tăng trưởng dựa vào khối doanh nghiệp nhà nước, còn được gọi những quả đấm thép của nền kinh tế (chiếm khoảng 2% số lượng doanh nghiệp), vẫn loay hoay với tái cơ cấu, cải tổ.

Mô hình tập đoàn kinh tế mạnh vẫn còn khá xa vời khi hầu hết chỉ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, xây dựng và khai thác tài nguyên. Các sản phẩm xuất khẩu được chế tạo từ những công trình nghiên cứu với trị giá nhiều triệu, thậm chí tiền tỷ USD cũng chỉ là những câu chuyện “trà dư tửu hậu” bên lề tại các hội thảo. Các mô hình, kịch bản phát triển khối doanh nghiệp trong nước được xây dựng từ nhiều năm qua giờ như những mảnh vỡ được chắp nối một cách manh mún, không đem lại những kết quả rõ rệt. Hình thành những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hay nghiên cứu chế tạo công nghiệp, công nghệ lừng danh thế giới cũng chỉ là những giấc mơ xa.

Ở dưới hạ tầng, những lợi thế giá rẻ và nhiều ưu đãi đầu tư mà nhiều doanh nghiệp FDI đã tận dụng được khi đổ vốn đầu tư vào Việt Nam như: Nhân công rẻ, ưu đãi thuế, sau nhiều năm, nay dường như lại là cái bẫy luẩn quẩn cho chính sự phát triển của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp trong nước. Mặt trái của thành tích “nhân công rẻ” đang dần bộc lộ. Nền kinh tế ngày càng thiếu vắng những lao động chất lượng cao, những “chất xám thực” có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ, công nghiệp giúp kéo theo cả hệ thống doanh nghiệp vệ tinh phát triển. Những ngôi sao lẻ loi về xuất khẩu của nền kinh tế đang dần lệ thuộc vào những mặt hàng không mang lại giá trị gia tăng cao như: Lúa, gạo, thủy sản, lâm sản, giày dép, gia công hàng may mặc.

Yêu cầu giải phóng nền kinh tế khỏi tình trạng phụ thuộc hàng hóa nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đang là bài toán khó giải đối với cả nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, chừng nào 90% nguyên liệu cơ bản nhất cho sản xuất của doanh nghiệp Việt như: thức ăn chăn nuôi, dệt may, cơ khí chính xác… vẫn phải nhập khẩu thì chừng đó nền kinh tế chỉ “ăn” được phần công sức lao động, nói cách khác là đi làm thuê lấy công làm lãi. Chỉ chừng nào nền kinh tế có những đổi mới thật sự từ tư duy xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho đến tạo môi trường cạnh tranh sòng phẳng, loại bỏ tình trạng công chức nhũng nhiễu thì khi đó doanh nghiệp mới có thể phát triển mạnh mẽ bằng chính nội lực của mình. Chỉ khi đó, lối thoát phát triển của doanh nghiệp mới được mở còn không việc lo phát triển nền kinh tế vẫn còn là câu chuyện dài.

MỚI - NÓNG