Luẩn quẩn xăng dầu

Luẩn quẩn xăng dầu
TP - Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Giá xăng dầu có tác động rất lớn đối với sản xuất và tiêu dùng bởi ở Việt Nam hằng năm phải nhập gần 70% lượng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.

Tuy nhiên, nhìn lại thời gian qua, đủ để nhận thấy việc điều hành giá xăng dầu chưa tuân thủ đúng theo cơ chế giá thị trường vốn dĩ vẫn kêu gọi. Đơn cử: Nếu tính đúng chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày theo NĐ 83/CP, thì 29/4 vừa qua phải là ngày phải điều chỉnh tăng giá khi giá thế giới lên. Nhưng không biết có phải do ngày điều chỉnh giá trùng vào đợt nghỉ lễ và e ngại tác động mà Bộ Công Thương lại lùi thời điểm điều chỉnh vào ngày 5/5, kéo theo chênh lệch giá cơ sở cao hơn so với giá bán tới 3.387 đồng/lít. Kế tiếp, trong lúc giá thế giới giảm thì do bởi vẫn “ăn” theo chu kỳ 15 ngày, và để tính đúng, tính đủ cho một chu kỳ kế tiếp, ngày 20/5, chúng ta lại tiếp tục điều chỉnh tăng.

Tiếp câu chuyện về điều hành, hiện Nhà nước đang thiên về lợi ích của mình khi sử dụng “van thuế” quá lớn đối với một lít xăng (Thuế nhập khẩu 20%, Thuế VAT 10%; Thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế môi trường -14,68% giá bán lẻ). Một mức thuế suất cao mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách trước mắt, nhưng nó không nuôi dưỡng được nguồn thu bền vững lâu dài, trong bối cảnh thu nhập của người lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh của chúng ta còn yếu. Điều này cơ quan chức năng cần nhận thức rõ. Hiện mức thuế trong một lít xăng của chúng ta quá cao so với nhiều nước, đặc biệt là thuế môi trường.  Theo như tính toán, thuế môi trường tăng 300% đối với xăng đã làm cho giá xăng đội lên ít nhất là 309 đồng/lít, so với việc giảm 15% thuế nhập khẩu, không đúng như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải thích.

Cũng tương tự, việc điều chỉnh định mức chi phí khi doanh từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít xăng, hoặc luôn xác định định mức lợi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là 300 đồng/lít khiến dư luận luôn phải đặt câu hỏi sao lại phải luôn là như vậy? Chưa kể, cơ quan chức năng vẫn nhắc nếu không có quỹ bình ổn thì giá xăng dầu sẽ còn cao hơn, nhờ vậy người tiêu dùng được hưởng giá thấp. Nhưng về thực chất quỹ  bình ổn vốn lấy từ tiền trong túi người tiêu dùng ứng trước, để bù đắp khi có biến động về giá. Vậy thì đâu có phải một sự bù đắp gì?

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5, đại diện Bộ Công Thương cho biết xăng dầu trong nước đang có cơ hội giảm giá khi giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm. Nếu theo chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, còn tới 4 ngày nữa mới là ngày điều chỉnh giá. Thật ngạc nhiên khi lần này nhà điều hành lại chủ động thông báo sớm hơn mọi lần về dự báo sẽ có điều chỉnh giảm giá, hoặc giảm xả quỹ bình ổn. Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Hay phải chăng vì Quốc hội đang họp, vấn đề điều hành giá xăng dầu do được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội nên có một sự “tình cờ” linh hoạt khéo léo ở đây?

Nhưng làm gì cũng phải từ căn cốt. Câu chuyện điều hành giá xăng dầu là mối tương quan giữa giá – thuế- quỹ bình ổn và lợi nhuận. Đã đến lúc, công luận đòi hỏi việc điều  hành phải thực sự công bằng giữa Nhà nước – Doanh nghiệp và Người tiêu dùng như Chính phủ luôn kêu gọi.

MỚI - NÓNG