Lực cản

Lực cản
TP - 10 triệu tỷ đồng hay 480 tỷ USD là số tiền cần để thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố trước Quốc hội mới đây.

Để dễ hình dung, số tiền khủng này nhiều gấp 2 lần tổng GDP của Việt Nam và nhiều gấp 8 lần tổng thu ngân sách năm 2015. Một con số không hề nhỏ để giải quyết những tồn tại của nền kinh tế đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình như Việt Nam.

Tái cơ cấu là chuyện không mới, thậm chí “nhiệm vụ cũ” này được đặt ra từ cách đây 5 năm nhưng nay vẫn đang ngổn ngang và dang dở. PGS. TS Trần Đình Thiên cũng tỏ ra khá tâm tư khi nói về một hội nghị lớn bàn về vấn đề quan trọng là tái cơ cấu nền kinh tế do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức cách đây hai tuần nhằm bàn, đóng góp những “chất xám” quý cho việc tái cơ cấu nhưng lại ít được quan tâm dù giấy mời đã được gửi tới rất nhiều cơ quan, bộ ngành. Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự hội nghị khi phát biểu cũng khá ngạc nhiên khi không thấy bóng dáng của bất cứ đại diện quan chức bộ ngành nào tham gia ngoại trừ bản thân ông và một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Những tâm huyết, “kế hay” về những trăn trở trước những vấn đề hoàn toàn mới trong việc thực hiện tái cơ cấu của các chuyên gia tên tuổi hàng đầu Việt Nam dường như “chỉ nói cho nhau nghe”. Không bới lại những vấn đề đao to búa lớn như: Xử lý khối u nợ xấu ngân hàng lên đến hơn 10 tỷ USD; sự trì trệ của khối doanh nghiệp nhà nước trong cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, nhiều chuyên gia thẳng thắn đề cập những việc thực chất hơn từ việc nhỏ như trả các loại hàng hóa về hoạt động theo cơ chế thị trường đến những việc lớn như giữ kỷ luật ngân sách, siết quản lý nợ công, chấm dứt tình trạng “bao cấp” ngân sách cho địa phương.

Căn bệnh thoáng qua nhưng để lại dấu ấn khá rõ cũng được PGS.TS Trần Đình Thiên và nhiều chuyên gia kinh tế “chẩn bệnh”, “bắt bài” khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của khiến không ít người trăn trở: Vì sao có đủ 3 yếu tố (thiên thời - địa lợi - nhân hòa) nhưng tái cơ cấu lại không thành công?

Câu trả lời cũng khá rõ: Dường như người ta chỉ làm những cái gì có lợi còn những gì không có lợi thì người ta không làm. Vấn đề nằm ở động lực, lợi ích. “Lúc đổi mới cơ bản, chúng ta còn nghèo nên chỉ nghĩ phải quyết tâm đổi mới, không có lợi ích nhóm. Còn với tái cơ cấu, động lực và động cơ đã thay đổi, các nhóm lợi ích cản trở nên phải có cách tiếp cận mới hoàn toàn”, ông Thiên mổ xẻ.

Những “lời gan ruột” về việc không bàn nữa, cần bắt tay làm vì bàn rất nhiều nhưng thực tế mọi việc vẫn nằm bên rìa của việc tái cơ cấu khiến nhiều chuyên gia dự hội thảo không khỏi suy nghĩ. Thậm chí, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cảnh báo, nếu không thay đổi để “bám” vào được các cấu trúc hội nhập kinh tế quốc tế để vượt lên, thì đối mặt tụt hậu là chuyện sẽ xảy ra. Việc tụt hậu sẽ chỉ chấm dứt chừng nào chúng ta quyết tâm, ráo riết chẩn đúng bệnh, bốc đúng thuốc.

MỚI - NÓNG