Lúng túng & bối rối

Lúng túng & bối rối
TP - Tuần qua, chuyện lai kinh ứng thí của cả triệu sĩ tử vốn luôn thu hút sự chú ý của công luận, nay lại càng nóng hơn vì quy định bổ sung gây nhiều tranh cãi của Bộ GD&ĐT:

> Đề thi có trên mạng sau khi thí sinh được ra ngoài

Cho phép thí sinh mang thiết bị ghi hình, ghi âm nhưng không có chức năng xem hình, nghe tiếng và thu phát vào phòng thi.

Đơn cử là trường hợp mang tai nghe Bluetooth vào phòng thi của thí sinh Lê Nguyễn Thùy Trang tại Hội đồng thi thuộc trường THCS Diêu Trì (Tuy Phước - Bình Định).

Hội đồng thi đã rất lúng túng không biết thiết bị này bộ có cấm hay không, phải huy động cả công an vào cuộc để làm rõ. Cuối cùng thí sinh trên bị hủy kết quả sau khi đã thi xong cả 3 môn.

Trả lời phỏng vấn Tiền Phong về sự cố trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ngạc nhiên thốt lên: “Ôi trời! Cái đó các Hội đồng thi phải biết mà triển khai chứ!”.

Ông Ga cho rằng, “trường hợp này quá dễ và quá rõ ràng rồi còn gì, có màn hình, có tai nghe mang vào là phải xử lý ngay lập tức... Bộ không nói từng chi tiết nhưng rõ ràng thế thì phải biết và xử lý ngay chứ”.

Có thể loại thiết bị “Bluetooth Headset Model N95” của thí sinh Trang quá quen và “quá dễ” đối với ông thứ trưởng, song chắc chắn nó rất lạ với các thầy cô ở mãi tận huyện Tuy Phước, Bình Định xa xôi kia.

Lạ đến nỗi vị Trưởng phòng GD&ĐT (ĐH Quy Nhơn) Lê Xuân Vinh phải phân trần với phóng viên Tiền Phong: “Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì chỉ có nhà báo mới nhận ra chứ chúng tôi thì bó tay!”.

Còn Chủ tịch hội đồng thi trên thì phàn nàn: “Vì quy chế của Bộ vừa ban hành chưa thật sự rõ ràng khiến cả giám thị lẫn thí sinh hết sức bối rối”.

Trên thực tế, với những ai am hiểu về việc chế tạo thiết bị thu phát, quy chế trên rất dễ bị các thí sinh lợi dụng để qua mặt các giám thị, để gian lận. Bởi không dễ gì có thể biết được một thiết bị mà thí sinh vừa mang vào có gắn bộ thu phát hay không, nếu không có máy móc để kiểm tra, đo đạc.

Rốt cục, nếu chỉ vì sự vụ Đồi Ngô (Bắc Giang) tai tiếng kia, mà Bộ GD&ĐT vội vàng ban hành bổ sung quy chế, lập tức khuyến khích thí sinh tham gia chống tiêu cực thi cử, thì quả là “lợi bất cập hại”.

Không ít ý kiến bạn đọc phản hồi trên các trang báo mạng cho rằng, quy chế mới chỉ biểu hiện sự lúng túng, bị động của những người quản lý giáo dục nước nhà.

Sao Bộ không cho lắp camera giám sát ở tất cả các phòng thi mà lại phải trông chờ vào thí sinh, vốn chỉ có mỗi bổn phận lo thi còn chưa xong, lấy đâu tâm trí để mà quay quay, chụp chụp nữa.

Còn nếu quy chế mới này thành công, giúp chống tiêu cực trong thi cử hiệu quả, thiết nghĩ em học sinh nọ ở trường Đồi Ngô đáng được Bộ GD&ĐT biểu dương, khen thưởng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG