Mềm nắn, rắn buông

Mềm nắn, rắn buông
TP - Câu chuyện thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua, đẩy nhu cầu, đưa giá cả thị trường nhiều loại nông sản tăng ảo rồi sau đó bất ngờ quay lưng, dừng thu mua khiến người nông dân, thị trường điêu đứng, cơ quan quản lý lúng túng vì bị động dường như đã trở thành bệnh kinh niên của ngành công thương nước nhà.

Trong lĩnh vực nông sản, câu chuyện nông dân khóc ròng vì các loại thanh long, nhãn, vải, hồ tiêu, lúa gạo, dưa hấu… bị thương lái Trung Quốc ép giá mỗi năm trở thành câu chuyện đến hẹn lại lên. Người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng không sướng hơn khi phải đối mặt với “trăm mưu, nghìn kế bẩn” khiến giá cả thị trường rối loạn của các thương lái vùng biên đến từ Trung Quốc.

Những cuộc họp bàn với đầy đủ ban bệ của các ngành công thương, nông nghiệp và các hiệp hội được tổ chức hầu như liên tục trong các năm gần đây. Đích thân Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền khi trả lời báo chí cũng phải thừa nhận có một bộ phận thương lái Trung Quốc lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam để thu mua hàng hóa trái phép, trong đó không loại trừ phá hoại. Điều này có thể thấy qua việc các thương lái mua bán, thu gom móng trâu, móng bò, lá cây, rễ cây…

Sau mỗi cuộc họp bàn, những giải pháp tạm thời nhằm giải cứu cấp tốc nông sản, hàng hóa Việt theo kiểu kêu gọi người dân “mua từ thiện” được nhiều tổ chức, cũng như cả Bộ Công Thương áp dụng. Phải thừa nhận, cũng nhờ những giải pháp kiểu “mềm nắn, rắn buông” này nông sản, hàng hóa tạm thời thoát hiểm, người nông dân trút được gánh nặng ngàn cân.

Tuy nhiên, bài toán cân não nhất là việc làm sao nông sản Việt xuất khẩu được bền vững, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào thương lái Trung Quốc đến nay vẫn chưa có thuốc trị triệt để khi mà hoạt động thu mua nông sản xuất khẩu tại các địa phương vẫn chủ yếu phụ thuộc thương lái Trung Quốc. Tình trạng ăn đong, bấp bênh trong xuất khẩu sẽ không được cải thiện chừng nào hàng hóa xuất sang Trung Quốc vẫn phải đi theo đường tiểu ngạch.

Việc mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung quy định thu thuế đối với thương lái người nước ngoài thu mua trực tiếp nông thủy sản được coi là biện pháp mạnh để giảm bớt áp lực khống chế thị trường của các thương lái Trung Quốc.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, để thoát khỏi cái bóng lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu cũng như hệ thống thu mua do các thương lái Trung Quốc xây dựng, các cơ quan thương vụ phải vào cuộc tích cực. 

Chỉ chừng nào các “đại sứ thương mại” của ngành công thương xóa được tình trạng “đem chuông đi đánh xứ người, đánh hoài, đánh mãi mà chả thấy kêu” thì khi đó con đường xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới lấy lại được thế cân bằng bền vững. Và khi đó, người nông dân sẽ thoát cảnh phải khóc ròng trên những cánh đồng mà họ một nắng hai sương nhưng công sức lại đổ xuống sông xuống biển vì bị thương lái thao túng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.