Miếng vá đô thị

Miếng vá đô thị
TP - Bài toán chống ngập đã được Hà Nội tính toán và triển khai từ 20 năm trước, và đến nay dự án thoát nước đi gần hết lộ trình nhưng úng ngập vẫn đến hẹn lại đến. Câu chuyện chống ùn tắc tại thủ đô cũng gian nan không kém.

> Các dự án bất động sản sẽ phải cập nhật tình hình
> Hệ quả của đô thị hóa

Hà Nội đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, mở mới đường sá để chống ùn tắc. Nhưng giao thông thì vẫn chỗ thông, chỗ tắc. Người ta ví công cuộc chống ngập, chống tắc của Hà Nội như việc đuổi hình bắt bóng.

Đường Vũ Trọng Phụng hằng ngày người xe như nêm. Nay trên đoạn đường chưa đầy 1km có hàng loạt dự án chung cư từ 16 đến trên 20 tầng. Dù nhiều dự án chưa có dân đến ở nhưng sự ngột ngạt đã tạo nên sức nóng hầm hập trên con phố nhỏ.

Theo dự tính, dân số tập trung về các chung cư ước ngang dân số một phường. Trong khi đường không mở rộng một mét, thế là tắc! Hàng ngàn hộ dân xả thải ra hệ thống thoát nước cũ kỹ, gặp khi mưa to, thế là ngập! Nếu xét những toà chung cư một cách độc lập, chúng chí ít có thể “đạt chuẩn”, cao hơn là “chung cư cao cấp”, “ căn hộ hạng sang”, “ điểm nhấn kiến trúc”…Nhưng khi đặt chúng trong một tổng thể kiến trúc với kết cấu hạ tầng yếu kém, quá tải, rõ ràng là phản cảm.

Từ nhiều năm qua, Hà Nội đã phát triển đô thị tại các quận nội thành theo kiểu tự phát, chắp vá. Nhà đầu tư có sẵn mặt bằng, hoặc đề xuất mặt bằng, sau đó được thành phố chấp thuận cho lập dự án xây chung cư, cao ốc.

Những dự án nhà ở được duyệt rồi những chung cư đua nhau mọc lên bất biết hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực đó có đáp ứng được hay không. Sau đó, khi đi vào khai thác nếu tắc đường, thành phố sẽ lại rót tiền mở đường. Trường không có, sẽ lại loay hoay tìm đất xây trường. Khi đường chưa mở, trường chưa xây thì người dân phải tự liệu.

Thay vì lấy hạ tầng để làm căn cứ phát triển dự án nhà ở, trong nhiều trường hợp Hà Nội lại cho xây nhà ở trước sau đó buộc hạ tầng phải “chạy theo”. Điều này hình thành một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là các dự án nhà ở do doanh nghiệp đầu tư và bên kia là hệ thống đường sá, trường học, cấp thoát nước do thành phố gánh.

Số tiền thu được từ các dự án nhà không đủ chi trả cho việc nâng cấp hạ tầng. Điều đáng nói là, nhìn một cách tổng thể, dù thành phố có mọc lên nhiều chung cư hiện đại thì bức tranh kiến trúc đô thị vẫn chỉ là sự chắp vá với những miếng ghép rời rạc không ăn nhập.

Với cách phát triển đô thị như vậy, những vấn nạn về ùn tắc giao thông, úng ngập, thiếu trường học, điểm vui chơi… sẽ tiếp tục truyền lại cho nhiều thế hệ mai sau tìm thuốc chữa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG