Minh bạch & chuyên nghiệp

TP - Mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Thống kê tổng hợp (Tổng cục Thống kê) đưa ra con số đáng giật mình: Năm 2013, ước tính có khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 480.000 người.

Theo bà Vân, không những lao động phổ thông mà còn có tới hơn 100 nghìn người có bằng đại học vừa ra trường cũng bị thất nghiệp.

Số liệu trên cho thấy, việc làm trong nước hiện cung đang vượt cầu quá xa. Câu hỏi đặt ra, vậy số lao động dôi dư này sẽ đi đâu, làm gì? Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhắc nhở lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH rằng, Bộ LĐ-TB&XH phải coi dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên là nhiệm vụ hàng đầu; trong đó, phải coi công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là mũi nhọn tấn công.

Các nhà quản lý xuất khẩu lao động có lý rằng với một lao động làm nghề xây dựng trong nước, không thể có mức lương trên 1.000 USD như làm việc ở Angola. Hay lương 700-1.200 USD/tháng khi làm việc trong nhà máy ở Đài Loan. Thậm chí với thị trường thu nhập thấp như Ả-rập Xê-út hay Malaysia, lương cũng cỡ 500-700 USD/người/tháng. Dù còn nhiều bất cập, nhưng ai cũng thừa nhận rằng, lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài mỗi năm gửi về nước gần 1 tỷ USD. Đây là khoản tiền lớn, đã làm thay đổi bộ mặt biết bao gia đình, vùng nông thôn.

Cái lợi của XKLĐ đã thấy rõ. Vấn đề là Bộ LĐ-TB&XH phải có giải pháp toàn diện, tổng thể để giữ vững thị trường truyền thống và mở cửa nhiều thị trường mới. Cần thiết nhất lúc này là cần phải sớm tiến hành một cuộc điều tra tổng thể về nhu cầu lao động trong nước. Từ đó, phân loại lao động, tư vấn thị trường XKLĐ phù hợp với hoàn cảnh của từng người. Có như vậy, NLĐ sẽ không đổ xô bằng mọi giá đi làm việc tại các thị trường thu nhập cao để phải chịu rủi ro.

Để xóa bỏ các vấn nạn liên quan đến XKLĐ hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Lao động phải làm sao để công tác XKLĐ minh bạch, chuyên nghiệp. Khi chi phí các thị trường XKLĐ công khai, lúc đó, NLĐ ai cũng biết, vì thế cò mồi, lừa đảo sẽ không còn đất để lộng hành. Hơn nữa, khi mọi thứ được công khai, minh bạch, doanh nghiệp có muốn làm sai cũng khó. Đơn vị nào cố tình làm sai, NLĐ và xã hội sẽ có điều kiện để giám sát, tố giác.

Bộ LĐ-TB&XH cũng cần sớm phân loại doanh nghiệp, xem ai được làm thị trường nào. Từ khâu tạo nguồn, dạy nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng... tất cả phải theo một phương thức chuyên nghiệp. Không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm, đào tạo, dạy ngoại ngữ tràn lan và thu tiền vô tội vạ như hiện nay. Bộ LĐ-TB&XH cũng nên công khai tên doanh nghiệp tham gia các thị trường XKLĐ. Trong đó, cần xếp loại doanh nghiệp uy tín để giám sát và tạo lòng tin cho NLĐ khi quyết định tham gia thị trường nào đó. Việc làm này cũng giúp chính quyền địa phương giám sát được hoạt động của doanh nghiệp khi tuyển nguồn. Nhu cầu việc làm đang ngày càng lớn, nếu XKLĐ được triển khai bài bản, minh bạch, chuyên nghiệp, cánh cửa làm giàu sẽ mở ra với tất cả mọi người.

MỚI - NÓNG