Minh bạch tài nguyên

Minh bạch tài nguyên
TP - Dư luận đang quan tâm nhiều đến việc xuất khẩu than đá ở phía Bắc và cát vàng ở phía Nam. Hai mặt hàng xuất khẩu có chung đặc điểm là tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo. Mối quan tâm cũng chung: Sử dụng tài nguyên quý giá của đất nước có hiệu quả hay chưa?

Từ nghèo khó đi lên, hầu hết các quốc gia phải trải qua giai đoạn ban đầu, khai thác tài nguyên khoáng sản để tích lũy vốn liếng. Xuất khẩu thời kỳ này chủ yếu là tài nguyên và sản phẩm thô.

Vấn đề là nguồn lực từ khai thác tài nguyên phải phục vụ được cho những mục tiêu phát triển dài hạn, biến thành nguồn lực con người và khoa học công nghệ, nâng cao sức mạnh của nền kinh tế. Nếu không, đất nước sẽ bị cạn kiệt tài nguyên mà vẫn nghèo.

Những gì đang diễn ra và được phát hiện, nỗi lo lãng phí tài nguyên là có cơ sở. Trên báo Tiền Phong ngày 9/9, tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, cán bộ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), viết: “Việc xuất khẩu than (được coi như một thành tích trong thời gian qua) chỉ mang lại lợi ích tài chính cục bộ trước mắt cho ngành than, nhưng đã và đang dẫn đến sự thiệt hại lâu dài cho cả đất nước”.

Kiểm toán Nhà nước tại TKV (về niên độ ngân sách năm 2007) kiến nghị, Tập đoàn phải nộp vào ngân sách hơn 275 tỷ đồng nữa. Kiến nghị này chưa bao gồm những thất thoát, lãng phí về tài nguyên, khoáng sản, về hàng trăm tỷ đồng bán than giá ưu đãi không đúng quy định.

Tập đoàn đã tập trung đầu tư khai thác theo chiều rộng, thay vì chiều sâu, để tăng xuất khẩu, dẫn tới tình trạng thất thoát càng nghiêm trọng. Một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh phát biểu với báo chí, mỗi năm có khoảng 10 triệu tấn than bị xuất lậu, thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng.

Ở ĐBSCL, xuất khẩu cát vàng khai thác ở lòng sông diễn ra ồ ạt vài năm nay. Chỉ trong tám tháng đầu năm 2009, theo Cục Hải quan Cần Thơ, đã xuất khẩu 8,9 triệu tấn (gấp gần bảy lần cả năm 2008), đóng thuế hơn 58 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cảnh báo, khai thác cát đã vượt tầm kiểm soát. Cát vàng ở lòng sông bị nạo vét cật lực là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở hàng trăm cây số bờ sông, đẩy hàng nghìn gia đình vào cảnh mất đất đai, nhà cửa, phải di dời. Để chống xói lở mỗi ki-lô-mét bờ sông Tiền hay sông Hậu, cần khoảng 100 tỷ đồng.

Ngày 9/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Luật Thuế Tài nguyên. Theo dự thảo, thuế tài nguyên sẽ nâng mức trần lên 30 phần trăm, gấp nhiều lần hiện nay. Nhiều đại biểu còn đề nghị nâng mức trần lên đến 50 phần trăm.

Bao nhiêu là phù hợp? Điều đó để cho các chuyên gia tính toán. Vấn đề mà dân quan tâm là minh bạch tài nguyên. Đây là một sáng kiến được nêu ra ở Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Bền vững họp tại Nam Phi năm 2002, được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận và nhiều quốc gia tự nguyện làm thành viên.

Minh bạch tài nguyên là công khai mọi hoạt động khai thác tài nguyên và thu chi nguồn lợi từ khai thác tài nguyên theo đúng pháp luật. Công khai từ chính phủ đến các công ty khai thác, kinh doanh, nguồn lợi được phân bổ hợp lý cả cho việc tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường, hỗ trợ địa phương nơi khai thác.

Minh bạch tài nguyên nhằm quản lý tốt nguồn thu rất lớn từ khai thác tài nguyên để xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển vì lợi ích cộng đồng. Mọi sự minh bạch đều góp phần giảm thiểu các xung đột xã hội. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
Hà Nội: Xử lý dứt điểm vụ án liên quan đến ông Lê Thanh Thản trong quý 2/2024
TPO - Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm 37 vụ án trong quý 2/2024. Trong đó, có vụ án “Lừa dối khách hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes liên quan đến ông Lê Thanh Thản.