Minh bạch xăng dầu

Minh bạch xăng dầu
TP - Theo các Hiệp định thương mại tự do FTA với ASEAN và Hàn Quốc, từ năm 2015 thuế nhập khẩu dầu diesel và madút từ các nước ASEAN là 5% và từ 1/1/2016 là 0%.

Ngoài ra từ 1/1/2016, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam chỉ còn 5% và thuế nhập xăng còn 10% (trong khi các thị trường khác vẫn giữ nguyên là 20%). Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã được hưởng các mức thuế nêu trên thì hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước vẫn bị tính giá bán lẻ theo công thức mà thuế suất nhập khẩu là 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút.

Bằng chứng ở đây là Thông tư 78 được Liên bộ Công Thương Tài chính ban hành tháng 5/2015, giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) vẫn được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút. Như vậy, người dùng đã phải mua xăng dầu với mức giá cao hơn hẳn do mức chênh 5-10% với diesel và 10% với xăng, chỉ tính riêng với dầu các công ty xăng dầu đã được lợi khoản tiền kếch xù lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng ! Quá trình này kéo dài ít nhất từ tháng 5/2015 với diesel nhập từ ASEAN và từ 1/1/2016 với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015 Việt Nam nhập 10,1 triệu tấn xăng dầu, trị giá 5,36 tỷ USD, chủ yếu từ các nước ASEAN.  Với khoảng một nửa giá thành xăng dầu bán lẻ tới tay người tiêu dùng là thuế phí, như vậy thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam có trị giá tới hơn 10 tỷ USD. Một thị trường lớn như vậy rất cần một “luật chơi” minh bạch, rõ ràng giữa kẻ mua, người bán. Và vai trò cầm trịch “luật chơi” đó chính là liên bộ Công Thương – Tài chính. Còn nhớ, suốt một thời gian dài người tiêu dùng đã phải gánh chịu điệp khúc giá xăng dầu “tăng nhanh, giảm chậm”. Nay đứng trước việc giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, chưa kịp hưởng lợi từ yếu tố khách quan này là bao thì người tiêu dùng lại tiếp tục bị các doanh nghiệp “móc túi”.

Sòng phẳng và minh bạch nhất, số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng nói trên cần phải được trả lại cho người tiêu dùng bằng cách này hay cách khác. Đã có ý kiến từ các chuyên gia rằng, nên buộc các doanh nghiệp xăng dầu chuyển số tiền đó vào quỹ bình ổn, từ đó trả lại cho người tiêu dùng qua việc giảm giá xăng tương ứng.

Và không ai khác, trách nhiệm đó hẳn thuộc về hai bộ Công thương và Tài chính.

MỚI - NÓNG