'Mở cửa' Quốc hội

'Mở cửa' Quốc hội
TP - Cho đến phiên họp cuối năm, Quốc hội mới thảo luận và có thể thông qua Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Nhưng ngay từ bây giờ, dư luận rất quan tâm đến việc “cửa” Quốc hội sẽ mở ra sao với những thành phần ứng cử viên khác nhau. Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 20-7 vừa qua,

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ VN Nguyễn Văn Pha đã có ý kiến cần xem xét các quy định liên quan đến quyền tự do ứng cử của người dân khi bàn đến Luật trên...

Trong số 493 ĐBQH đương nhiệm, duy nhất có ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) là ứng cử viên tự do trúng cử. Con số này không có nghĩa Quốc hội thiếu chỗ cho ứng cử viên tự do nhưng cơ hội cho họ cũng không nhiều. Không ít nhân sĩ trí thức đề xuất, trong quá trình mở rộng dân chủ, hòa hợp dân tộc, Quốc hội nên mở rộng cửa chào đón nhiều thành phần hơn nữa miễn là có lợi cho đất nước.

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTVN Phạm Thế Duyệt cho rằng “Xu hướng là tỷ lệ ĐB thuộc cơ quan hành pháp không nhất thiết phải quá cao, không nhất thiết cứ phải thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội”. Lẽ ra xu hướng này đã phải xác định từ lâu vì ít có Quốc hội nào mà ĐB lại “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thực tế cho thấy các quan chức khi tham gia Quốc hội thường là những vị “ngại đụng chạm” nhất bởi vị trí, công việc và cả quan hệ. Làm sao có thể đứng lên chỉ trích lĩnh vực yếu kém của các vị bộ trưởng khác khi ngành mình phụ trách cũng đầy rẫy sai sót. Càng khó chất vấn cấp cao hơn nữa bởi đó là cấp quyết định “vận mệnh” của mình.

Câu chuyện Quốc hội chưa thông qua dự án đường sắt cao tốc hay Chủ nhiệm Ủy ban An ninh- Quốc phòng của QH Lê Quang Bình thẳng thắn với cách trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho thấy QH càng mạnh mẽ càng có lợi cho đất nước.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng khẳng định phải có tỷ lệ thích đáng cho ĐBQH thuộc khối Mặt trận, điều chỉnh hợp lý ĐB của cơ quan Đảng, cơ quan hành pháp. Cách nhìn đúng từ cấp cao nhất cần phải được thể hiện bằng thực tế.

Trên diễn đàn Quốc hội, tiếng nói mạnh mẽ của những vị ĐB như Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Đình Xuân... lại là những ĐB không nắm quyền ở các cơ quan hành pháp.

Không chỉ thế, Quốc hội cũng cần tăng thêm số lượng ĐBQH là người ngoài Đảng, để tăng thêm những người thực sự có phẩm chất, trí tuệ cao, có trách nhiệm đóng góp cho đất nước thay vì chỉ là đại diện cơ cấu. Khá nhiều nhân sĩ, trí thức, doanh nhân... không phải là đảng viên nhưng đóng góp cho đất nước của họ rất lớn.

Ngay từ Quốc hội khóa 1, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhiều nhân tài ngoài Đảng tham gia Quốc hội và Chính phủ. Tầm nhìn rộng mở ấy đã để lại nhiều tên tuổi như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên...

Quan trọng hơn nhân dân đã tin tưởng vào chính sách đại đoàn kết dân tộc do Người khởi xướng để đồng tâm hợp lực xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ và kháng chiến chống Pháp thành công.

MỚI - NÓNG