Mở lối tư duy

Mở lối tư duy
TP - Đợt thi đại học lần thứ 2 (năm học 2012-2013) khép lại với nhiều ấn tượng về đề mở.

> Sau một mùa thi...

Thông qua đề mở, hơi thở đời sống tràn vào đề thi các môn văn học và địa lý; chúng vừa có sức nóng của những sự kiện, vấn đề đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, lại vừa lấp lánh, khơi thức niềm tự hào dân tộc trong lòng giới trẻ.

Có lẽ, một phần do mới lạ, nhưng căn bản hơn là nó đã bứt ra khỏi cái khuôn sáo chật hẹp của việc dạy và học cũng như cách thức ra đề thi từ nhiều năm qua.

Cho nên, đề thi mở không chỉ gây được sự hào hứng cho đông đảo thí sinh mà còn thu hút sự chú ý của xã hội. Cái hay của những đề mở này còn nằm ở chỗ vừa bám sát cuộc sống nhưng không vượt khung chương trình.

Đề mở là một minh chứng về những nỗ lực vượt thoát khỏi lối mòn tư duy trong giáo dục. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, một tiến sĩ chuyên ngành văn học ở một trường chuyên nghiệp tại miền Trung bị “ném đá” tới tấp vì ra đề thi rơi vào…phần đọc thêm trong sách giáo khoa.

Chủ đích của vị tiến sĩ này, lúc ấy, không gì khác là muốn thoát khỏi những lối mòn trong cách ra đề thi, dù ước muốn đó còn hết sức dè dặt. Giờ thì có vẻ đã khác, đề mở không chỉ vượt ra phạm vi bài đọc thêm, mà còn vượt qua mọi giới hạn vật lý và chạm đến nhiều chiều kích của tư duy, của tâm hồn.

Mặc dù vậy, vẫn còn không ít những băng khoăn, lo ngại hậu đề mở. Băn khoăn trước mắt là làm thế nào để đánh giá đúng những bài viết của thí sinh khi mà mỗi giáo viên chấm bài có một quan điểm khác nhau về những vấn đề được nêu trong đề thi mở? Rồi, không khéo đề mở với phổ rộng quá sẽ dễ dẫn đến tùy tiện hoặc rơi vào tình trạng định hướng hay áp đặt theo thái cực ngược lại.

Băn khoăn có tính dài hơi hơn là mở có đồng bộ? Dư luận hoan nghênh đề mở, điều đó cho thấy đề mở vừa là nhu cầu tự thân của giáo dục, vừa là nhu cầu của xã hội.

Từ hai nhu cầu ấy, đề mở sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Song, phía sau cánh cửa học đường, một loạt các vấn đề mang tính cơ bản nhưng vốn rất trì trệ như sách giáo khoa, chương trình giảng dạy và cả tư duy những người thầy… có mở kịp và tương thích?

TS. Nguyễn Văn Hiệu - Phó trưởng Khoa Văn hóa, Trường ĐH KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh cho rằng cách thi (đề mở) hiện tại, dù còn ở mức độ nhen nhóm của lối tư duy mới, nhưng tin chắc sẽ ngày càng phổ biến và tác động làm thay đổi cách dạy cách học trong tương lai.

Ông cũng cho rằng, thông thường, ở các nước phát triển, cách dạy, cách học sẽ quy định cách thi cử. Còn ở ta thì theo quy trình ngược lại, lấy cách thi để thay đổi cách dạy. Nhưng dù sao, theo ông, như vậy vẫn còn hơn không.

Chính vì lẽ đó, đề mở hôm nay đang có một sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc thay đổi tư duy dạy và học cho mai sau. Ở đó, không có sự áp đặt và khuôn sáo. Ở đó, quá trình dạy và học là để trang bị kiến thức và kỹ năng chứ không phải nhồi nhét kiến thức theo lối học vẹt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG