Một quyết định lạ!

Một quyết định lạ!
Mấy ngày gần đây, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc gộp tất cả các buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước trong toàn tỉnh thành một lễ kỷ niệm chung

Việc này nhằm đảm bảo tính trang nghiêm, long trọng vừa tiết kiệm được thời giờ và tiền bạc của nhân dân…đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo dư luận trong cả nước.

Trong khi Dự án Luật về phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được đưa ra xin ý kiến nhân dân “chuẩn bị được Quốc hội thông qua để đưa vào cuộc sống…thì quyết định của ông Chủ tịch Quảng Nam quả là một bước đột phá.

Quyết định này đi đầu trong quyết tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để có thêm tiền đầu tư xây dựng thêm các trường học, bệnh xá, bệnh viện, nhà tình thương, tình nghĩa… như mong muốn của chính bản thân ông Chủ tịch cũng như đông đảo cử tri.

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 27/CT của Bộ Chính trị trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nếp sống văn hóa, trong xã hội đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại căn bệnh khá phổ biến trong nhiều cơ quan công quyền và gia đình mà báo chí đã tốn không ít giấy mực để góp ý phê bình, đó là bệnh “sính hình thức”.

Đảng và Nhà nước ta đã có quy định cụ thể về phạm vi, quy mô tổ chức các ngày lễ trọng đại của dân tộc vào các năm chẵn, về số lượng khách mời và tiêu chuẩn đại biểu, quy định chi tiết về tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội.

Song chỉ vì so bì kém cạnh, vì “con gà tức nhau tiếng gáy” nên việc cưới, việc tang và lễ hội đó đây vẫn liên tục bị lạm dụng nhằm mục đích tư lợi cá nhân.

Có nơi, có vụ việc tính chất nghiêm trọng bởi những cán bộ, đảng viên có chức, quyền đang nắm giữ trọng trách trong các cơ quan Nhà nước “tạo cơ hội” cho con, em, người thân (phe cánh) mình tổ chức để moi tiền của Nhà nước và nhân dân.

Đã đến lúc cần có nhiều hơn những “quyết định táo bạo đầy khó khăn” đem lại lợi ích không nhỏ cho dân, cho nước như của ông Chủ tịch tỉnh Quảng Nam.

Thiết nghĩ, nếu tất cả các tỉnh thành trong cả nước cũng thi đua có những quyết định tương tự và kịp thời, tổ chức lễ hội trang nghiêm, trọng thể nhưng tránh rình rang, bớt “chén chú chén anh” để chăm lo cho dân, tập trung thì giờ và tiền bạc vào điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thì không những tiết kiệm được thì giờ, tiền bạc mà tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ và nhân dân cũng sẽ được đẩy lùi.

Dự án Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dù chưa được thông qua cũng sẽ đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. 

MỚI - NÓNG