Mười năm & một câu hỏi

Mười năm & một câu hỏi
TP - Câu hỏi ấy rất đơn giản. Ai cũng biết, cử tri nào cũng rõ một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, trong đó có lãnh đạo trung, cao cấp, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống, tình trạng tham nhũng đã trở thành quốc nạn nhưng các cơ quan thực thi pháp luật vẫn hạn chế trong việc phát hiện tham nhũng.

Vậy “bộ phận không nhỏ” ấy là ai, đang ở đâu?

Tiếp xúc với dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến những biểu hiện suy thoái đạo đức của “bộ phận không nhỏ”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng nói “trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm".

Thế nhưng liên tiếp nhiều bộ, ngành, nhiều địa phương khi tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng đều lên tiếng khẳng định “chưa phát hiện tham nhũng trong nội bộ”. Hà Nội, TPHCM trong năm qua đều không phát hiện có tham nhũng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định 10 năm qua (2006-2015) chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng và cán bộ nhận quà tặng sai quy định. Bộ Ngoại giao khẳng định pháp luật phòng chống tham nhũng được triển khai toàn diện, rộng khắp nên chưa có trường hợp tham nhũng nào phải chuyển cho cơ quan điều tra, xét xử, giải quyết. Bộ Công Thương cũng chưa phát hiện tham nhũng...

Chưa phát hiện được tất nhiên không có nghĩa là không có tham nhũng, chỉ đơn giản là… chưa phát hiện được mà thôi. Vấn đề  chính nằm ở đây, câu hỏi lớn cũng nằm ở đây. Chín tháng đầu năm 2015, TPHCM “chưa phát hiện tham nhũng”, theo lời bà phó chánh thanh tra thành phố. Mặc dù nói vậy nhưng bà Phó Chánh thanh tra Nguyễn Thị Ngọc Nga vẫn thừa nhận “tình hình tham nhũng vẫn còn phức tạp ở một số ngành xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu thầu, mua sắm công”, “nhũng nhiễu trong giải quyết công việc liên quan đến công dân” vẫn “chưa chuyển biến tích cực”, “việc tặng quà, nhận quà vẫn còn ngấm ngầm diễn ra, khó phát hiện, khó định giá quà tặng nào là vi phạm, giám sát khó khăn”.

Điều đó có nghĩa là cơ quan hữu trách hoàn toàn biết có tham nhũng, và nói chưa phát hiện tham nhũng chỉ khiến cử tri, khiến người dân thêm mất niềm tin. Bởi nếu nói vậy thì vụ đòi đút lót chạy giấy phép ở Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM, vụ xin giấy phép xây dựng nhà ở quận Bình Tân, TPHCM bị đòi chi 5.000 USD, vụ đòi tiền trà nước PCCC cũng ở Bình Tân... không phải là tham nhũng thì gọi là gì? Vấn đề nằm ở chỗ tham nhũng phần lớn từ người dân, báo chí, nước ngoài (vụ Huỳnh Ngọc Sỹ) phát hiện.

Chưa phát hiện được đương nhiên không phải là không có. Vậy, tham nhũng là ai? Ở đâu? Cơ quan chức năng bất lực hay còn nguyên nhân nào khác nữa?

MỚI - NÓNG