Năng suất thấp, vì đâu?

Năng suất thấp, vì đâu?
TP - Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi: “Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61% mức lao động bình quân của các nước ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Có phải vậy không?”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền giải thích có 3 nguyên nhân, đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp cao, công nghiệp chủ yếu gia công ít công nghệ cao, tỷ lệ lao động có bằng cấp còn thấp.

Điều đó về lý thuyết hoàn toàn đúng nhưng dường như chưa đủ. Bởi nếu ai đã ra nước ngoài có dịp để ý và so sánh chúng ta sẽ thấy, ngay cả trong lĩnh vực lao động phổ thông, năng suất lao động của người Việt cũng đã thua xa các nước bởi nhiều lý do rất đáng phải suy nghĩ.

Có dịp vào những siêu thị rộng lớn tại các nước Âu, Mỹ sẽ thấy số lượng nhân viên bán hàng hay bảo vệ ít hơn hẳn ở ta, dù diện tích mặt bằng lẫn chủng loại hàng hóa của họ lớn hơn ta rất nhiều lần. Nhìn bàn tay đếm hàng, tính tiền thoăn thoắt như múa của cô thu ngân trong siêu thị DM ở Đức, tôi chắc rằng năng suất đó phải gấp 3 lần một cô thu ngân trong siêu thị ở ta.

Kỹ năng, tác phong làm việc nhanh nhẹn, gọn gàng rất công nghiệp và hiệu quả là điều rất dễ nhận thấy của người lao động tại các nước tiên tiến. Ngay trên xe buýt ở các nước này, chỉ duy nhất bác tài kiêm cả phụ xe lẫn người bán vé chứ không có chuyện lại thêm anh xé vé thu tiền như ở ta. Chưa kể xe buýt của họ nhiều tuyến cao 2 tầng hoặc dài 2 toa, như vậy năng suất làm việc trên xe buýt của họ đã gấp mấy lần ta rồi.

Lại có những việc tưởng chừng nhỏ nhặt song do thói quen tùy tiện “dùng đâu bỏ đó” của không ít người Việt mà làm phát sinh thêm công lao động rất lãng phí. Hình ảnh những nhân viên gò lưng đẩy một chuỗi xe chở hành lý vào nơi quy định đã trở nên quen thuộc tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Nhưng đó lại là hình ảnh vô cùng lạ lẫm đối với nhiều du khách quốc tế. Bởi tại sân bay hay siêu thị ở nước họ, người dùng muốn sử dụng xe đẩy phải đút vào một khe nhỏ trên tay cầm của xe đồng 2 euro, và chỉ khi nào trả xe vào đúng nơi quy định mới lấy lại được khoản tiền trên.

Đó là một cách quản lý rất văn minh và sòng phẳng. Thói quen ngăn nắp, quy củ của công dân sẽ giúp cho xã hội vận hành một cách khoa học và hiệu quả hơn rất nhiều. Không xả rác bừa bãi, phân loại rác ngay từ mỗi gia đình không những giúp giảm số lượng nhân viên ngành vệ sinh môi trường đáng kể, mà còn giúp việc xử lý rác dễ dàng, hiệu quả hơn.

Không ít người Việt sinh sống lâu ngày ở nước ngoài khi về nước thường thắc mắc, vì sao trong giờ làm việc lại thấy dân công sở ngồi kín các quán trà đá vỉa hè, vì sao người trong nước đi làm lại có thói quen ngủ trưa?

Như thế, năng suất lao động, ngoài yếu tố khoa học công nghệ, còn có yếu tố do văn hóa và giáo dục mà nên.

MỚI - NÓNG