Nặng về khen

Nặng về khen
TP - Việc Quốc hội quyết định lựa chọn hình thức “chất vấn lại những điều đã được chất vấn” là một nội dung mới mẻ, chưa có tiền lệ. Với việc tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ ngồi “ghế nóng”, cử tri và dư luận kỳ vọng đây sẽ là phiên chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, truy đến cùng - trả lời đến cùng nhằm tạo ra sự thay đổi.

Tuy nhiên, nửa ngày sau phiên chất vấn, trò chuyện với Tiền Phong nhiều đại biểu đã “kêu” rằng:  phiên chất vấn đang quá giống với phiên thảo luận về tình hình, kinh tế - xã hội… Các báo cáo trình bày trước QH về việc thực hiện lời hứa còn quá dài, chiếm đến 2/3 thời gian nửa ngày đầu phiên chất vấn. Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thì lại có nhiều điểm giống báo cáo năm đã trình bày trước QH cách đây ít ngày... Các báo cáo cũng chưa nêu bật được những việc làm được, chưa làm được… cũng như những khó khăn dẫn đến việc thực hiện lời hứa chưa đạt được như mong muốn…

Về phía những người “chất vấn lại” dường như cũng “nặng” về thảo luận để rồi “nhẹ” đi phần chất vấn. Có quá nhiều đại biểu thay vì thảo luận chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của các ngành thì lại sử dụng thời gian đó để “khen”, để ca ngợi thành tựu của một số bộ trưởng, trưởng ngành. Trong khi những lời ca ngợi đó đã được bản thân họ và nhiều đại biểu khác nêu ra tại phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội cách đây không lâu… Điều này khiến cho người nghe có cảm giác đây không phải là phiên chất vấn...

Chất vấn là dịp để “hỏi - đáp”, để các đại biểu làm rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc thực hiện lời hứa. Thời gian dành cho phiên chất vấn tại kỳ họp này chỉ vỏn vẹn 2,5 ngày, hết sức ngắn ngủi…  Và việc các đại biểu ca ngợi, khen ngợi nhiều đã khiến cho phiên chất vấn trở nên ít thông tin và kém hấp dẫn. Vì thế mà đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khi đứng lên “chất vấn” đã đề nghị các báo cáo thực hiện lời hứa cần ngắn ngọn, nêu rõ việc gì đã thực hiện được, việc gì chưa… Còn Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thì đề nghị đại biểu tiết kiệm thời gian, đi thẳng vào vấn đề để nhiều đại biểu khác có cơ hội chất vấn.

Tại báo cáo kiến nghị cử tri do Ban Dân nguyện của Quốc hội gửi đến kỳ họp nêu rõ: cử tri đề nghị tăng tính đối thoại giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn; dành nhiều thời gian hơn nữa cho các phiên chất vấn, trả lời chất vấn…Hy vọng những bất cập sẽ được kịp thời khắc phục để việc chất vấn trong những ngày tới sẽ thực sự là những cuộc tranh luận, truy đến cùng, chất vấn đến cùng nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực, xây dựng, đáp ứng nguyện vọng và mong muốn của cử tri và nhân dân.

MỚI - NÓNG