Ngẫm nhìn biệt thự bỏ hoang

Ngẫm nhìn biệt thự bỏ hoang
TP - Dư luận đã nhiều lần đề cập một nghịch lý lớn giữa lòng thủ đô Hà Nội : Có tới 700 căn biệt thự, trong đó không ít biệt thự triệu đô, đang bị bỏ hoang trong một thành phố có mật độ dân số cao bậc nhất thế giới.

> Không thiếu luật xử biệt thự bỏ hoang 

Theo thống kê, cứ 3 căn xây lên có một căn để hoang. Đây là một hiện tượng hiếm, lạ nhưng không khó lý giải khi khoảng cách giàu nghèo đang ngày một doãng ra.

Sự lãng phí giá trị sử dụng nhà và đất của những ngôi biệt thự này khỏi phải bàn cãi, ngoài ra chúng còn gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường xung quanh. Song nhức nhối hơn là cảnh “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” cứ chình ình giữa thủ đô.

Trong khi hàng triệu công dân thủ đô đang ở chen chúc với chưa đầy 10m2/đầu người, hàng vạn sinh viên và công nhân các khu công nghiệp đang thiếu chỗ ở... thì những dãy phố biệt thự bỏ hoang như Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) với đường rộng thênh thang cùng bể bơi, sân tennis... vẫn lộng gió không một bóng người.

Nghịch lý là vậy, song hàng trăm căn biệt thự triệu đô này vẫn có cái lý tồn tại của nó: người có tiền mua để đấy như một thứ của để dành, được giá thì bán, không thì thôi. Tài sản hợp pháp của mọi công dân đều được pháp luật bảo hộ. Trong trường hợp này, pháp luật chỉ có thể can thiệp, điều tiết bằng cách giống như các nước đã làm: Đánh thuế bất động sản nhà, thuế đất - ai ở nhiều thì phải nộp thuế nhiều.

Động thái mới đây của Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế biệt thự bỏ hoang cũng tương tự như vậy. Xét cho cùng biện pháp này chỉ làm hạn chế phần nào tình trạng bỏ hoang mà thôi, một khi thị trường bất động sản đang đóng băng.

Điều đáng suy nghĩ ở đây là, nhìn toàn cục thì một phần không nhỏ nguồn lực tài chính trong dân chúng đã không được huy động vào sản xuất để tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm, mà nằm chết gí trong đất đai, trong hàng trăm ngôi biệt thự bỏ hoang.

Đáng buồn hơn, luồng tiền này đã và đang là xu thế, thậm chí từng là phong trào rầm rộ của nhiều người có tiền lẫn vay được tiền ngân hàng để “ôm” đất đai, biệt thự, gây không ít những hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Một nền kinh tế có chất lượng, hiệu quả, bền vững chỉ khi mọi nguồn lực của xã hội được đầu tư đúng hướng. Chừng nào nhà nhà vẫn còn lên cơn sốt lướt sóng vàng, đô, bất động sản, chứng khoán mà bỏ quên sản xuất, thờ ơ với phát minh, sáng chế, chừng đó chưa thể có một nền kinh tế mạnh và bền vững.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG