Ngẫm từ chợ đầu mối

Ngẫm từ chợ đầu mối
TP - Hiện Hà Nội có trên 7 triệu dân, trong đó thành thị chiếm ngót một nửa, hơn 3 triệu dân. Thôi cứ tạm coi 4 triệu dân nông thôn còn lại có thể tự túc hoặc ít nhiều biết được xuất xứ mớ rau, con cá trong bữa cơm hàng ngày.

Nghĩa là họ có thể kiểm soát được phần nào chất lượng VSATTP trong bữa ăn hằng ngày của mình, nếu muốn. Thực tế, hiện không ít gia đình ở nông thôn đang trồng những luống rau riêng, thả đàn gà riêng, thậm chí ao cá riêng chỉ để phục vụ bữa ăn hằng ngày cho chính gia đình mình.

Tất nhiên đó là rau không phun thuốc sâu, gà, cá không nuôi bằng thức ăn tăng trọng. Và họ cũng quá hiểu những thứ được nuôi trồng thương phẩm kia, từ mớ rau, con cá tới miếng thịt đang “ngậm” những thứ gì trong nó.

Thế mới biết, người nông thôn hóa ra lại sướng hơn người thành thị? Ít ra cũng về cái khoản ăn uống, hít thở không khí trong lành hằng ngày. Bởi lẽ, trong số 3 triệu dân nội đô hầu hết không thể biết mớ rau, con cá trên mâm cơm gia đình mình có xuất xứ từ đâu, bẩn hay sạch?

Điều tra của PV Tiền Phong tại các chợ đầu mối ở cửa ngõ nội thành Hà Nội cho thấy một thực tế đáng giật mình, việc kiểm soát chất lượng VSATTP, nguồn gốc xuất xứ các loại thực phẩm thiết yếu này đang bị buông lỏng.

Chợ họp chủ yếu vào ban đêm nhưng Ban quản lý chợ, các lực lượng chức năng lại làm việc vào… ban ngày! Các loại rau củ quả, thịt, cá… từ biên giới phía Bắc mặc sức tràn sang, thực phẩm bẩn – sạch, xuất xứ nội – ngoại lẫn lộn không biết đâu mà lần.

Khi chúng ta xuất mỗi con tôm, con cá sang nước ngoài thì ngay từ vuông tôm hay lồng cá của người nuôi đã phải tuân thủ hàng loạt những tiêu chuẩn ngặt nghèo về dư lượng thuốc kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, môi trường…

Ấy vậy mà, khi nhập về, khi cung cấp cho chính chúng ta, những tiêu chuẩn cùng hàng rào bảo vệ tương tự đã bị buông lỏng, bị hạ thấp, thậm chí mất kiểm soát. Ngẫm mà thấy chạnh lòng.

Theo Tổ chức Quốc tế NTD (CI) - mà Việt Nam là một thành viên - NTD có 8 quyền cơ bản bao gồm, quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được bày tỏ quan điểm, quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được bồi thường, quyền được giáo dục và quyền được sống trong môi trường lành mạnh.

Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam cũng có 8 quyền tương tự, trong đó có 2 quyền tối quan trọng là “được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe...” và “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa…” khi tham gia giao dịch mua bán, sử dụng hàng hóa.

Vậy thử hỏi hơn 3 triệu dân Hà thành hiện có được thụ hưởng đầy đủ những quyền cơ bản nhất của NTD theo luật định? Người phải trả lời câu hỏi này không ai khác chính là các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, kiểm dịch thú y, bảo vệ thực vật… của Hà Nội. Rộng hơn nữa chính là các bộ ngành đã được quy định rõ trong Luật ATTP như Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Y tế.

Chỉ khi nào thực phẩm được quản lý và kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn, hoặc chí ít cũng phải từ chợ đầu mối, khi đó hàng triệu người dân thủ đô nói riêng và ngót trăm triệu dân Việt nói chung, mới có thể an tâm trước bữa cơm gia đình của mình.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.