Nghẽn tư duy

Nghẽn tư duy
TP - "Động lực nào cho tăng trưởng?", câu hỏi được nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đặt ra từ cách đây 5-6 năm, khi Việt Nam liên tiếp được cảnh báo về những nguy cơ của bẫy thu nhập trung bình, một lần nữa được nhắc đến.

Về tổng thể, với một nền kinh tế quy mô nhỏ, dù được đánh giá có nhiều cải cách, nỗ lực, Việt Nam thực tế khó có thể xác định được đâu là những đầu tàu lớn để thúc đẩy phát triển. Những hàng rào trùng điệp về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa có giải pháp triệt để để xử lý như những “hòn đá tảng” thách thức sự sáng tạo, phát triển. Nền tài chính, lực hút, tạo dòng xoáy đầu tư nhiều năm qua vẫn bị coi là yếu so với các nước trong khu vực.

Ngành sản xuất công nghiệp sau hàng chục năm tạo cơ chế, đến nay vẫn mãi loay hoay với những sản phẩm không có giá trị thương mại toàn cầu. Lời kêu gọi, kiến nghị ưu đãi thuế, hỗ trợ đất đai, chính sách vẫn luôn được các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực đưa ra như tấm bình phong để “mặc cả” với sự phát triển.

Với lĩnh vực du lịch, mỏ vàng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thèm khát với những điểm du lịch trứ danh, đến nay chưa thể giúp tạo dựng thành ngành công nghiệp mang lại những núi tiền cho quốc gia. Những chương trình quảng bá đất nước những năm gần đây được đầu tư nhiều, có bài bản nhưng vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, khai thác nhỏ.

Lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay đã cho thấy những mặt trái cần tháo gỡ và điều chỉnh. Lực đẩy nền kinh tế, đang được định hướng sáng tạo động lực từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa dường như không bắt kịp với dòng chảy khi vướng phải những rào cản từ các doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế ưu đãi, xin cho được dành nhiều cho “những quả đấm thép của nền kinh tế” không giúp xây dựng các đơn vị thành những tập đoàn đa quốc gia lừng danh mà còn khiến nhiều đơn vị trở thành các cục nợ của nền kinh tế.

Lời chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh về việc Việt Nam cần phải chuyển đổi từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang sáng tạo cho thấy có sự chậm trễ không hề nhẹ trong việc thực thi các giải pháp để tạo động lực cho nền kinh tế. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc hội thảo được đưa ra và cũng lại kết thúc với những câu chuyện, lời khuyên muôn năm cũ về việc cải cách thể chế để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời có cơ chế mở, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hành doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp.  Câu chuyện cải cách bộ máy theo hướng thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của nền hành chính công cũng được đề cập.

Một nền kinh tế muốn phát triển, cần những cơ chế cởi trói, thay đổi thực chất trước tiên từ chính sách. Để làm được điều đó, chất lượng những văn bản, những quy định cần được các nhà hoạch định thực hiện với tầm nhìn vượt trội, với sự tư duy hoàn toàn mới, thay vì chỉ ngồi trong phòng ngẫm nghĩ, nghiên cứu, thiếu sự đặt mình vào vai doanh nghiệp. Những kiến nghị của doanh nghiệp, ở góc độ nào đó, cũng một phần là những vấn đề nhức nhối về chính sách, về rào cản cần tháo gỡ. Chừng nào những sự đổi mới tư duy được thúc đẩy mạnh mẽ, những động lực mới này sẽ giúp các vòng xoáy khác thay đổi, góp phần tạo động lực phát triển cho đất nước.

MỚI - NÓNG