“Ngỗng” gầy và “ngỗng” béo

“Ngỗng” gầy và “ngỗng” béo
TP - Đã có nhiều dư luận trái chiều về dự án nhà máy thép và nhiệt điện Posco (Hàn Quốc) trị giá trên 10 tỷ USD tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa.

Tuy cách tiếp cận vấn đề có khác nhau, song nói như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (trong bài trả lời PV báo Tuổi trẻ), Vịnh Vân Phong là thứ của “để dành” vô giá cho con cháu muôn đời sau.

Đất đai, bờ biển, tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân. Đó là những thứ không thể làm ra hay tái tạo nên cần phải “tiêu dùng” một cách đặc biệt cẩn trọng và tiết kiệm, nhất là khi nó lại liên quan mật thiết đến môi trường sống của con người.

Dầu khí và than là thứ tài nguyên quý giá, hiện không cần tiếp thị cũng bán rất chạy. Tuy nhiên càng khai thác nhiều thì “của để dành” càng ít, thậm chí còn gây tổn hại đến môi trường. Nếu có dịp đi qua thị trấn Đông Triều hay trên con đường từ Hạ Long đi Móng Cái (Quảng Ninh) ta sẽ thấy cái giá phải trả cho mỗi tấn “vàng đen” xuất khẩu là không hề nhỏ.

Chính vì thế mà từ nhiều năm qua hàng loạt mỏ than tại Ba Lan đã phải đóng cửa trước những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường của EU. Tôi đã có dịp đi tàu hỏa cao tốc dọc nước Đức, ấn tượng nhất là vô số các “chong chóng” phát điện bằng sức gió trắng toát nổi bật trên nền xanh ngắt của rừng cây, của thiên nhiên tươi đẹp.

Thậm chí các quốc gia EU còn đang có dự án chôn khí thải CO2 của các nhà máy xuống sâu dưới lòng đại dương để tránh hủy hoại tầng khí quyển.

Và nếu có dịp đến cảng Yokahama của Nhật Bản hay cảng Singapore, bạn sẽ thấy một màu nước biển trong xanh ngăn ngắt không hề có một cọng rác – một hình ảnh đối lập với nhiều cảng biển tại các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Việt Nam.

Cái giá phải trả cho công nghiệp hóa, cho sự phát triển là vậy. Chỉ có điều các nước đi sau nếu tỉnh táo sẽ không phải “mất tiền mua học phí”, không công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng mọi giá mà khôn ngoan hơn trong việc giải bài toán phát triển bền vững, vừa có lợi cho hiện tại mà không phương hại đến mai sau.

Cố vấn Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore từng nói về  thu hút đầu tư nước ngoài đại ý, trong cả đàn ngỗng bay về đất nước bạn, hãy tỉnh táo chọn lấy những con béo tốt,  đừng đón lấy những con gầy gò ốm yếu hoặc mang dịch bệnh.

Và trên thực tế, đảo quốc này đã chọn cho mình được những “chú ngỗng” đáng giá, đó là tài chính ngân hàng, du lịch, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo... để đưa Singapore trở thành đất nước giàu có và sạch nhất nhì thế giới như hiện nay.

Quay trở lại dự án khu liên hợp thép – nhiệt điện khổng lồ bên bờ Vịnh Vân Phong tươi đẹp,  nơi đã được quy hoạch làm cảng trung chuyển container quốc tế, và phát triển du lịch sinh thái biển, sinh thái đầm vịnh.  Rõ ràng khu sản xuất công nghiệp nặng lên tới 10 tỷ USD này mà lại mọc lên giữa một Khu kinh tế đã được quy hoạch như nêu trên thì xem ra không ổn.

10 tỷ USD với nhiều ngàn công ăn việc làm cùng hàng trăm triệu USD nộp ngân sách mỗi năm quả là đầy “sức nặng”, song nếu cái giá phải trả cho môi trường sinh thái, cho đại cục chưa thể lường hết thì xin hãy lưu tâm thêm chút nữa, cân nhắc thêm chút nữa. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).