“Người vô nhân tính”

TP - Mấy năm trước, lúc xem “Tales from the Organ Trade” (chuyện buôn bán nội tạng), tôi đã phát khiếp khi thấy những thủ đoạn vô nhân tính của băng nhóm buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. Chúng không trừ một ai, miễn là nội tạng của họ được lấy đi và đổi lại là tiền và ma tuý.

Bộ phim “Chuyện buôn bán nội tạng” ấy đã đưa tôi lạc vào thế giới đen tối của một băng nhóm buôn bán nội tạng. Nơi ấy, có những kẻ môi giới trên đường phố, thậm chí có cả bác sĩ phẫu thuật bất lương và những người đàn ông, phụ nữ nghèo khổ, sẵn sàng hy sinh một phần cơ thể của mình để nhận lại… tiền. Và, cả những bệnh nhân tuyệt vọng phải đối mặt với sự lựa chọn đau đớn là tuân theo luật pháp hoặc mua nội tạng để cứu sống mình. Từ Manila đến Istanbul, từ Colorado đến Kosovo… bộ phim mang đến cho người xem những câu chuyện số phận, nơi món quà của cuộc sống gặp bóng tối của cái chết.

Tôi mường tượng những điều ấy chỉ có trên phim và chúng chỉ xảy ra ở một nơi nào đó rất xa xôi. Nhưng không, tất cả đang có ở đây, tại Việt Nam.  Chỉ trong vòng 2 năm, từ 2017 đến cuối 2018 đã có 37 quả thận được lấy đi từ các chàng trai khỏe mạnh tại Việt Nam. Ở bên kia biên giới, 37 mạng sống được kéo dài hồi sinh nhưng cũng có chừng ấy con người bán thận kiệt quệ về sức khỏe, sự sống leo lét như đèn treo trước gió. Chỉ có Tôn Nữ Thị Huyền, kẻ cầm đầu đường dây bán thận ấy thu về số tiền 2,5 tỷ đồng cho riêng mình là vẫn ung dung cho đến khi vụ việc bị phơi lộ.

Không tự dưng mà Huyền sa chân vào con đường tội lỗi này. Năm 2009, từ một bệnh nhân đi ghép thận ở Trung Quốc, Huyền nhận ra việc mua bán thận khiến cho một số người giàu lên, từ đó cô dấn vào con đường “làm ăn” bất lương này. Thông qua một người quen ở Campuchia, Huyền móc nối và dẫn mối cho cả trăm người Việt sang bên kia biên giới bán thận, đã có 37 quả thận được lấy đi và 2,5 tỷ đồng vào túi người phụ nữ vô nhân tính này. Vậy mà, tại tòa cô ta vẫn luôn miệng nói “đây là công việc nhân đạo, là giúp đỡ người khác”, bất chấp những chàng trai trẻ vốn khỏe mạnh nay ngồi tại tòa với dáng vẻ rũ rượi, yếu ốm khai rằng, họ vẫn chưa được Huyền trả hết tiền như đã hứa, trong khi có người mất 45% sức khỏe, có người mất tới gần 70%.

Huyền không phải là số ít. Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội cũng hoàn tất cáo trạng truy tố Trần Văn Phương, 30 tuổi được cho là “ông trùm” môi giới mua bán thận tại phía Bắc. Với một quả thận được bán, Phương mua với giá 200-300 triệu đồng rồi bán với giá gấp đôi. Cũng như Huyền, Phương đến với con đường vô nhân tính này từ một người vốn đã bán thận trước đó do gia cảnh khó khăn. Nhiều người sau khi bán đi một phần thân thể của mình cũng bị dụ dỗ và lôi cuốn theo con đường kiếm tiền bất lương này, để rồi không chỉ hủy hoại sức khỏe của bản thân mà hủy sự sống của người khác.

Bán thận, mô hay nội tạng khác là hành vi bị nghiêm cấm tại Việt Nam. Nhưng vì lợi ích trước mắt, hàng loạt đường dây mua bán thận vẫn âm thầm hoạt động, len lỏi vào các ngóc ngách từ thành thị đến vùng quê. Hàng nghìn quả thận đi ra ngoài biên giới, cứu sống bao nhiêu người thì ngược lại, cũng chừng ấy con người đang sống với sức khỏe ngày càng què quặt, số tiền ít ỏi từ bán thận không thể níu giữ sự sống đang ngày càng kiệt quệ dần đi.

Ánh mắt của những chàng trai trẻ khỏe một thời, giờ ngồi trước toà xanh xao trong vai nạn nhân của đường dây bán thận khiến nhiều người xót thương. Cuộc sống khó khăn nhưng nếu không có những lời mồi chài đường mật, những khoản tiền trăm triệu từ những đầu nậu vô nhân tính ấy, liệu họ có hy sinh một phần cơ thể của mình như vậy? 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.