Nguy cơ “độc quyền nhóm”

Nguy cơ “độc quyền nhóm”
TP - Từ ngày 16/10 tới, giá cước 3G của cả ba nhà mạng lớn sẽ đồng loạt tăng trung bình 20%, trong đó có gói cước tăng đến 40%. Thông tin này được các nhà mạng đưa ra sau khi có “đèn xanh” từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin-Truyền thông)

> Tăng cước 3G, nhà mạng bội thu hàng ngàn tỷ đồng
> Nhà mạng tăng cước, dân mạng dọa ngừng 3G

qua việc phê duyệt các gói cước 3G của 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone.

Chủ trương tăng giá này nên được xem là khá bất ngờ và bất thường, bởi từ khi có “cỗ xe tam mã” Vinaphone, Mobifone, Viettel, hầu như cước viễn thông chỉ có giảm và mang tính cạnh tranh. Cách nay hơn 10 năm, rất nhiều người Việt chỉ dám dùng điện thoại di động ở mức hạn chế và đất sống cho các loại dịch vụ giá rẻ như cityphone vẫn còn. Nay, nhiều gia đình đã không còn lắp điện thoại cố định vì giá cước di động đã được đưa về mức dễ chịu hơn nhiều.

Chính vì vậy, chủ trương tăng giá cước 3G vào lúc này đã khiến nhiều người dùng thấy khó chấp nhận được. Nhất là lý do “giá 3G Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình trong khu vực ASEAN và thế giới”. Bởi đó là sự so sánh khập khiễng và chưa đầy đủ nếu không đưa vào yếu tố thu nhập đầu người, chất lượng dịch vụ và lỗ lãi của từng loại hình dịch vụ mà ba nhà mạng nói trên đang cung cấp.

Trao đổi với một tờ báo mạng, đại diện Vinaphone nói: “Có nhiều gói được điều chỉnh cả tăng lẫn giảm. Chúng tôi sẽ đơn giản hóa gói cước, tăng số lượng các gói không giới hạn dung lượng. Bên cạnh đó Vinaphone cũng giảm cước trần xuống còn 500.000 đồng thay vì khoảng một triệu đồng như hiện nay”. Nghĩa là “có tăng, có giảm” nhưng nói chung lại là giá tăng và người tiêu dùng sẽ phải móc hầu bao ra nhiều hơn nếu muốn tiếp tục dùng dịch vụ.

Phản ứng lại động thái này của các nhà mạng, cho đến nay, người tiêu dùng có lẽ chỉ còn biết hò nhau “tẩy chay” dịch vụ, cách duy nhất mà họ có thể làm để bảo vệ quyền lợi của mình. Và cho dù các nhà mạng đều hứa nâng cao chất lượng dịch vụ 3G vốn không thực sự tốt, với động thái tăng giá bất thường và thiếu minh bạch, sẽ khó có khách hàng nào tin vào những lời hứa này.

Đáng ngại hơn, việc cả ba nhà mạng chiếm thị phần áp đảo được cơ quan quản lý cho phép đồng loạt tăng giá cho thấy thị trường viễn thông ở Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch và tồn tại cái gọi là độc quyền nhóm. Khi chỉ vài ba doanh nghiệp dẫn đầu nắm giữ thị phần lớn thì nguy cơ họ lạm dụng vị trí để thỏa thuận nhằm thao túng thị trường là hoàn toàn có thật và chỉ cần cú xi nhan đèn xanh là nhóm nhà mạng lấy từ túi khách hàng cả ngàn tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG