Nhà tư bản & cử nhân

Nhà tư bản & cử nhân
TP - Việc làm của lao động trẻ thời suy giảm kinh tế mong manh như lá chuyển vàng cuối thu. Những hội thảo, luận bàn liên kết đào tạo giữa nhà trường-doanh nghiệp, việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, hết trường, rồi đến Bộ GD&ĐT tổ chức liên tục.

Dung dị ý nghĩa: nhà trường, bên cạnh bàn về kiến thức, cần lo xa việc làm cho cử nhân. Nói cụ thể hơn là bàn về chuyện cơm áo, gạo tiền trả cho học thuật, kỹ năng, đạo đức sinh viên lượm được.

Không toàn diện được, nhưng hãy nghĩ doanh nghiệp mong gì ở cử nhân. Chắc chắn họ luôn săn tìm người biết làm việc, năng động, hoài bão… Nhà tuyển dụng thường ít đặt vấn đề trả bao nhiêu tiền để tuyển được một lao động phù hợp. Nhưng họ quan tâm chênh lệch giữa giá trị lao động đó sẽ mang lại và chi phí bỏ ra.

Nhà tư bản chưa bao giờ bỏ quan tâm giá trị tăng thêm mà lao động tạo nên. Người sẵn sàng làm việc, luôn mong tạo ra giá trị mới thường dễ kiếm được việc làm.

Doanh nghiệp thường được ví như con thuyền giữa “đại dương thị trường”, phải vận dụng tư tưởng trong “Hai vạn dặm dưới đáy biển”. Vậy nên, sinh viên ra trường được tuyển vào tổ chức cũng là người cần có tố chất làm việc độc lập và hoài bão khám phá, tìm tòi chân giá trị mới, linh hoạt trong môi trường linh động.

Đã thấy bất cập đó đây ở môi trường đào tạo và môi trường sử dụng người sau đào tạo. Xơ cứng chương trình dạy và học, hay thay đổi nhưng ít định hướng, viễn vông, tốn kém nhiều thời gian với việc có thể giải quyết ngắn…vẫn còn tồn tại trong chuyện học chuyện hành. Ở một số nước bạn, cũng có lúc việc tuyển dụng của nhiều tập đoàn áp dụng triết lý “khoảng a-b”.

Người có năng lực, hoài bão làm việc thấp ở cận a, cũng như người có năng lực làm việc thực tế, thái độ sẵn sàng, khát vọng cao hơn không quá b đều gần như “sở hữu” được ngôn ngữ, kiến thức gần gũi dễ nói chuyện, đàm phán được với doanh nghiệp.

Người giỏi (hoặc tự cho mình quá giỏi), mơ ước cao vượt khỏi cận b vì thế trở nên ít phù hợp. Phẩm chất quá giỏi đôi khi đồng nghĩa khó thỏa mãn trong môi trường bình thường, là “anh em” của tính tự phụ, hay chê bai người khác, làm ít nói nhiều…

Ở ta, phong trào đào tạo gà nòi, chương trình đào tạo gà nòi, đi thi cũng gà nòi, có lúc quá nhiều, hoặc có lúc đại trà lại quá phổ cập. Vậy nên ngôn ngữ, kiến thức của cả người đào tạo và người được đào tạo nằm ngoài khoảng a-b thực dụng. Chuẩn của sự giỏi có lúc lung lạc.

Sự cố hữu của tư duy và bản chất sự sống là, theo thời gian, nét vàng úa, co cụm sẽ xâm thực màu xanh tươi mới. Khi nhà trường và doanh nghiệp không thống nhất được khoảng a-b giản dị, dễ hiểu như những gì thuộc về đời sống thường nhật, việc làm cho cử nhân, giới trẻ vẫn chỉ là cơ hội thời suy giảm kinh tế, như lá vàng kết dính với cành khô. 

Ths Chu Quang Khởi

MỚI - NÓNG