Nhẹ nhàng thi cử...

TP - Hôm nay 4/7, kỳ thi THPT quốc gia kết thúc với sự tham dự của gần 900 ngàn thí sinh trên cả nước với mục tiêu “2 trong 1” – tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Điều đáng mừng, năm nay cả triệu thí sinh và người nhà đã thoát cảnh “khăn gói quả mướp”, vất vả “lai kinh ứng thí” như mọi năm.

Thêm nữa, xu thế đổ xô vào đại học cũng đã chững lại, nhiều học sinh và phụ huynh đã có cái nhìn thực tế hơn khi lần đầu tiên cả nước có tới một phần ba (32%) thí sinh không có nguyện vọng vào đại học. Có nghĩa là 32% này, bằng cách này hay cách khác, sẽ chọn con đường học nghề để bước vào đời, để nhanh chóng bổ sung vào nguồn nhân lực nước nhà, để có thu nhập ngay bớt đi gánh nặng “đèn sách” cho gia đình.

68% thí sinh muốn vào đại học năm nay cũng đỡ phải vất vả di chuyển rất nhiều, vì mỗi tỉnh thành đều có ít nhất 1 cụm thi do các trường đại học chủ trì, học sinh tỉnh nào sẽ thi ngay tại tỉnh ấy.  Một thí sinh thường kèm theo ít nhất một người nhà, Hà Nội, TPHCM vì thế mà đỡ đi cảnh tắc đường kẹt xe, mỗi gia đình bớt đi được biết bao khoản tốn kém từ ăn ở tới đi lại, những rủi ro không đáng có trong quá trình di chuyển của hàng triệu thí sinh và người nhà cũng từ đó mà triệt giảm. Như vậy, chỉ bằng một thay đổi nhỏ - giám thị di chuyển thay cho thí sinh, ước tính cả xã hội sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng chi phí.

Nền giáo dục nước nhà đang trên lộ trình “Đổi mới căn bản và toàn diện”, chuyển từ việc chỉ chăm chăm học kiến thức lấy bằng cấp sang dạy phương pháp, kỹ năng, phát triển năng lực và dạy làm người. Và đổi mới thi cử chính là một trong những khâu đột phá. Và do đó, đổi mới giáo dục không thể như một “trận đánh”, và thi cử cũng vậy, càng không nên gây ồn ào, phiền hà, tốn kém cho người dân và xã hội. Học hành và thi cử phải dần trở thành nhu cầu và niềm vui của mỗi công dân trong một xã hội học tập.

Thi tốt nghiệp THPT hay vào đại học, cao đẳng là chuyện đến hẹn lại lên, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, thi cử thuận tiện, nhẹ nhàng mà minh bạch, vì thế mà xã hội cũng không “ồn ào”, không phải rầm rộ “tiếp sức mùa thi”, “tư vấn tuyển sinh”… như ở ta. Nguồn lực đó nên được dành cho những chuyện khác cần thiết hơn.

Năm nay với hai chuyển biến tích cực, giám thị di chuyển thay cho thí sinh và không phải ai cũng muốn vào đại học, chuyện thi cử xem ra đã bớt ngột ngạt hơn trước khá nhiều.

Chỉ có điều, chuyện học ở đâu đi thi ở đó, chuyện giám thị phải di chuyển không có gì mới.  Ngay từ những năm 1980 trở về trước, chuyện thi cử ở ta đã là thế. Cải cách giáo dục một thời, thế nào lại ra thế này mà thôi…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.