Nhỡ ra bất cận nhân tình

Nhỡ ra bất cận nhân tình
TP - Dư luận đang nóng với việc một nghiên cứu sinh 26 tuổi đang làm tiến sĩ ở Nhật, hầu hết thời gian ở nước ngoài, nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng Vụ kinh tế tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Rồi chỉ 1 tháng sau chuyển sang làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ. Trong lúc vẫn còn ở nước ngoài.

Con cháu lãnh đạo nhiều khi cũng là điều bất lợi. Như trường hợp này, dư luận dồn vào việc do có ông chú từng làm lãnh đạo cũng cỡ kha khá, có bố là đại gia?! Bất kể việc anh ấy trình độ rất giỏi, thạo tới 4-5 ngoại ngữ. Cũng không quan tâm việc đương sự tránh tiếng không nhận lương bổng của nhà nước, và học bằng tiền túi.

Ồn ào là do bổ nhiệm nhanh quá, chuyển việc cũng quá nhanh. Khiến người ta thấy thấp thoáng bóng dáng của những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy “bay lượn” vèo vèo qua các chức vụ rồi mất tăm?! Nhất là “không làm việc ngày nào” cũng được thăng chức. Tuy nhiên, sau lý giải của nhân vật chính trên báo hôm qua, thì thấy cũng nên bình tĩnh hơn một chút. Đó là ngoài việc học, anh này còn tích cực kết nối, xúc tiến trao đổi quan hệ hợp tác, quảng bá địa phương… Việc bổ nhiệm cũng là để có chức danh hợp lý khi xúc tiến kêu gọi đầu tư. Còn việc xin về Cần Thơ, bởi thương hiệu Cần Thơ hấp dẫn và dễ hình dung đối với các nhà đầu tư nước ngoài hơn là “Ban chỉ đạo…”.  Cũng từ trả lời trên, thấy vỡ ra những góc nhìn khác, về “thế nào là làm việc?”. Có phải kê bàn sắp ghế, gắn bảng tên, thêm ấm trà, có khi còn cắp theo… chiếc ô nữa mới là “làm việc”?. Hay kết hợp việc học ở nước ngoài, với tiếp cận, tìm cơ hội xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đón đưa, sắp xếp cho các đoàn doanh nghiệp địa phương gặp đúng người đúng việc. Các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cũng chẳng đang được các doanh nghiệp trong nước gửi gắm kỳ vọng làm công việc này đó thôi! Tất nhiên, vụ này cũng gợn nhiều điều. Đó là danh chính nhưng ngôn chưa thuận. Sao không công bố rộng rãi luôn nhiệm vụ, quyền hạn của nhân sự này, với vai trò “cắm chốt”, mở văn phòng đại diện ở thị trường tiềm năng là Nhật Bản? Công bố luôn cam kết có gắn bó, cống hiến lâu dài với địa phương sau khi hoàn tất nghiên cứu sinh hay không? Lương bổng ra sao, đi học có dùng đồng nào của ngân sách? Làm được vậy, chắc chẳng có chuyện.

Là trường hợp khá đặc biệt, nhưng ngẫm thấy cũng không khác mấy so với chính sách thu hút nhân tài ở Đà Nẵng và một số nơi thực hiện từ hàng chục năm qua. Tuyển chọn, cấp tiền cho ra nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ theo ngành nghề địa phương đặt hàng. Đà Nẵng, dù gần đây có một số trường hợp “xù” không về nước, buộc phải đền tiền học, nhưng đó chỉ là số lẻ so với hàng trăm người khác, hiện làm việc hiệu quả.  Ấy nên trong trường hợp này, có lẽ hãy cứ bình tĩnh, cận nhân tình hơn. Tránh trường hợp làm tắt nhiệt huyết của một người trẻ được đào tạo bài bản và  quả thực có tâm huyết với quê hương.

MỚI - NÓNG