Nhức nhối chuyện bữa ăn

Nhức nhối chuyện bữa ăn
TP - Chưa hết chuyện bún phát sáng, giờ lại tới thông tin tẩy gạo mốc bằng hóa chất. Chưa thấy các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, song rõ ràng không thể là chuyện nhỏ. Bún có thể không ăn, nhưng cơm ăn nước uống hằng ngày không thể thiếu.

> Hóa chất độc hại phù phép gạo mốc
> Gạo mốc gây bệnh lạ?

Bát cơm thơm dẻo bê lên miệng mỗi ngày mà giờ đây phải cảnh giác, phải băn khoăn tự hỏi, liệu mùi thơm thật hay do hóa chất, liệu cơm trắng thế này có tẩy nhuộm gì không?

Chưa bao giờ, tâm lý bất an về đồ ăn thức uống lại xộc thẳng vào bữa cơm đầm ấm của mỗi gia đình đến thế. Rau thì lo thuốc trừ sâu, kim loại nặng; thịt cá lại lo thuốc tăng trọng, kháng sinh; măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương lo bị sấy lưu huỳnh; cơm, bún lo bị tẩm hóa chất; nước mắm lo nhiễm khuẩn clostridium perfrigens; thậm chí đôi đũa dùng một lần, giấy bọc đồ ăn cũng lo bị nhiễm độc nốt. Đó là bữa cơm gia đình, còn thức ăn đường phố thì khỏi nói. Từ trà chanh pha hóa chất, nhân trần nhiễm khuẩn vô tư bán tràn lan cho tới mới đây là mực khô xé sẵn kéo giãn được như dây chun, đốt bốc mùi khét lẹt; thịt thối, lòng thiu tấp nập ngược xuôi Bắc – Nam vào các nhà hàng, quán nhậu...

Luật An toàn thực phẩm đã ban hành được 2 năm, trong đó quy định trách nhiệm quản lý của 3 bộ Y tế, Công thương và NN&PTNT, mỗi bộ phụ trách một phân khúc thực phẩm từ bờ ruộng cho tới tận mâm cơm gia đình. Nôm na các thứ nông thủy sản nuôi trồng, đánh bắt là của Bộ NN&PTNT; mua bán phân phối trên thị trường là Bộ Công Thương; còn “miếng ăn quá khẩu thành tàn” là của Bộ Y tế. Nghe ra có vẻ chặt chẽ, hợp lý nhưng trên thực tế không phải thứ nào cũng rạch ròi được như vậy, dẫn tới chồng chéo và có nhiều lỗ hổng. Thế mới có chuyện, độc chiếc bánh trung thu bé xíu mà có tới 3 bộ cùng quản lý!?

Tại cuộc họp trực tuyến về An toàn thực phẩm và chất lượng vật tư nông nghiệp do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm qua 2/8, báo cáo của các tỉnh thành lại cho thấy một nghịch lý khó hiểu : Tình trạng mất VSATTP đến mức đáng báo động là vậy mà ở tuyến quận, huyện, xã hầu như để ngỏ, không có cán bộ giám sát lĩnh vực này. Thiết nghĩ đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng, bên cạnh sự chồng chéo kém hiệu quả, dẫn đến thực trạng hiện nay.

Tai nạn giao thông nhức nhối tới mức Bộ GTVT, Ủy ban ATGT, CSGT vào cuộc ngày càng quyết liệt với nhiều giải pháp mạnh, tỉnh nào để xảy ra nhiều vụ TNGT thì Chủ tịch tỉnh đó phải chịu kỷ luật trước Chính phủ. Mất VSATTP cũng nhức nhối không kém, thậm chí còn gây hậu quả nặng nề về lâu dài cho các thế hệ sau, chúng không gây chết người ngay tắp lự như TNGT song lại âm ỉ tàn phá cơ thể chúng ta mỗi ngày. Những kẻ bất lương cố tình cho hóa chất độc hại vào thực phẩm đáng khép vào trọng tội hủy hoại giống nòi ! Lạ là, không thấy những biện pháp mạnh tương xứng từ phía các bộ ngành liên quan trong lĩnh vực VSATTP như chúng ta đang làm với ATGT?

Đã đến lúc các bộ ngành liên quan không thể thờ ơ trước nỗi lo của hàng chục triệu gia đình Việt Nam mỗi khi ngồi trước mâm cơm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG