Những câu hỏi day dứt

Những câu hỏi day dứt
TP - “Vì sao ông Chấn không giết người mà khi lấy cung ở cơ quan điều tra, ông ấy lại nhận giết người”? “Tay Lý Nguyễn Chung kia không ra đầu thú thì liệu có ngày ông Chấn được trở về với gia đình?”. “Ai phải chịu trách nhiệm đã làm oan cho ông Chấn?”.

> Con gái người chịu án oan thề làm ô sin suốt đời vì bố
> Toàn cảnh vụ 10 năm chịu án oan giết người
> Tù 10 năm trở về không nhớ mặt anh em, hàng xóm

Những câu hỏi trên đây được nhiều, rất nhiều bạn đọc đặt ra. Số phận người tù chung thân Nguyễn Thanh Chấn đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vợ ông Chấn khóc ngất khi đón chồng. Những giọt nước mắt cũng chảy tràn trên má người tù tạm tha. Những hình ảnh khiến trái tim hàng triệu người thổn thức theo…

Mười năm, thêm ba mươi bảy ngày, tổng số thời gian ông Chấn bị cách ly khỏi xã hội. “Ông chưa ở tù, ông không bao giờ hiểu được những chuyện xảy ra trong đó đâu”. Người nói với tôi câu này tên là Thịnh, từng đi tù. Trước khi bị bắt, ông Thịnh là nghệ nhân, chủ một vườn cây cảnh có tiếng bên sông Tô Lịch. Khi được tạm tha, vườn cây đã tan hoang. Tiếp đến, vợ bỏ. Hai năm sau, khi đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật về phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) nơi ông Thịnh cư trú để xin lỗi, cuộc đời ông đã tan nát.

Vụ án ông Thịnh cũng được Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố điều tra từ cuối năm 2003, giống như vụ án ông Chấn. Ông Chấn ra tòa xét xử mau lẹ, rồi khẩn trương đi thụ án. Còn ông Thịnh, mãi đầu năm 2006 mới được xét xử cùng bảy bị cáo khác, và được tạm tha tại tòa.

Tôi rất muốn ghi lại những mốc thời gian trên đây. Bởi thời điểm cuối năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi (với những quy định chặt chẽ hơn về việc bắt người, tạm giữ, tạm giam) đã được ban hành, song chưa có hiệu lực thi hành. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về chấn chỉnh hoạt động tư pháp (ban hành đầu năm 2002) cũng chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Chấn được mời lên hỏi. Người ta lấy khẩu cung, rồi tạm giữ để củng cố lời cung, rồi tạm giam luôn, với bằng chứng là những lời cung đó. Ông Thịnh đơn giản hơn. Cán bộ điều tra đến nhà, mời đi có tý việc. Rồi đi mãi, đi mãi, cho đến ngày mở tòa…

Những chuyện trên đây nghe như ở một thời kỳ nào xa xôi lắm. Thật đáng buồn, nó xảy ra ở chính thế kỷ 21 này.

Phiên tòa xét xử ông Chấn diễn ra đầu năm 2004. Nó rất chóng vánh. Bởi thời đó người ta quan niệm đã bị bắt, bị đưa ra tòa xét xử, đương nhiên phải có tội. Kêu oan sẽ được gắn cho tình tiết ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải. Khai bị ép cung không ai chấp nhận, vì không có bằng chứng. Tuyên án xong, thẩm phán ôm hồ sơ ra khỏi phòng xử chẳng day dứt gì, thậm chí thấy nhẹ nhõm, bởi vừa hoàn thành một nhiệm vụ mà thẩm phán khác có làm thì cũng thế!

Phiên tòa ông Thịnh có khác. Bộ luật tố tụng mới đã được áp dụng. Cải cách tư pháp theo nghị quyết của Đảng yêu cầu đẩy mạnh tranh tụng tại tòa. Các luật sư, nhà báo tham gia, theo dõi phiên tòa đưa ra hàng loạt bằng chứng, phân tích gỡ tội. Điều quan trọng nhất là hội đồng xét xử đã lắng nghe. Họ quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, trước mắt tạm tha cho cả bảy bị cáo đang bị tạm giam, để những người này có điều kiện phục hồi sức khỏe. Sau đó, vụ án này đã được đình chỉ.

Hôm nay, 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử tái thẩm vụ án ông Chấn. Không khó đoán kết quả, bởi thủ phạm đích thực đã ra đầu thú. Song hậu phiên tòa này, vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi, chẳng hạn ai sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện làm oan cho ông Chấn. Sẽ không dễ có câu trả lời, bởi trong vụ án ông Thịnh, đến giờ người ta vẫn chưa biết ai là người chịu trách nhiệm và phải nhận kỷ luật.

Và câu hỏi quan trọng nhất, chúng ta phải làm gì để không tái diễn những vụ án oan như thế này?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG