Những đứa trẻ 'lồng kính'

Những đứa trẻ 'lồng kính'
TP - Học trò thì thích nhất nghỉ hè. Thời nào cũng vậy. Lũ “nhất quỷ nhì ma” này tạm thoát sự “kìm kẹp” về học hành của bố mẹ, thầy cô, thoải mái cái đầu và chân tay thỏa sức chơi. Ở quê, bọn trẻ khoái nhất các trò chơi dân gian; những buổi chăn trâu,

> Những đứa trẻ bị 'nhốt' trong... 'lồng kính'
> Dạy trẻ biết tự bảo vệ mình

cắt cỏ mải miết trên những cánh đồng; tắm sông; những đêm vằng vặc ánh trăng, tụ tập nô đùa. Trẻ thành phố không có được sự thoáng đãng ấy nhưng hè đến cũng được giải phóng sức ép học hành, theo bố mẹ xuống biển, lên rừng, về quê hay đi du lịch... Mỗi người trong chúng ta đều lớn lên cùng những mùa hè ăm ắp kỷ niệm như thế.

Bây giờ, trẻ nông thôn có lẽ còn không khí ấy, nhưng thành phố, một bộ phận lớn đang đón mùa hè rực lửa trong “lồng kính”! Số ít lại tham gia các lớp học kỹ năng, lớp học hè…

Bố mẹ thì làm gì có kỳ nghỉ hè nào. Bốn mùa đều phải kiếm sống. Hè đến, trường đóng cửa nghĩa là hết “nơi trông trẻ”. Trẻ thành phố không có cánh đồng, bờ đê và đêm trăng sáng; ra khỏi nhà là nguy hiểm! Để bảo vệ những đứa con, bố mẹ phải “nhốt” chúng ở nhà, nơi được xem là an toàn nhất.

Mỗi khi rời nhà đi làm, bố mẹ lại nhồi vào đầu con các quy tắc đại loại “được mở cửa cho ai, cơm để ở đâu, khi nào được xem TV, được chơi I pad…”. Trong căn nhà ấy, những đứa trẻ đọc sách, chơi điện tử… rồi ngóng bố mẹ về. Dằng dặc ngày dài trong nhà vắng lặng, có ai dám khẳng định trẻ không tìm đến game, các kênh TV…thái quá? Cũng có thể lắm, chúng lạc vào thế giới ảo, mắc các bệnh tâm lý.

Nếu không ở lồng thì các trẻ theo bố mẹ đến cơ quan, co kéo cho mùa hè qua nhanh. Thoát khỏi cái lồng nhưng đến cơ quan bố mẹ, các em buộc phải ngồi yên, không nghịch ngợm. Cũng có hơn gì cái lồng?

Không hiểu sao ở chuyện này người ta kém nhạy cảm về kinh doanh thế? Nếu phát triển các khu vui chơi, dịch vụ trông trẻ cả mùa hè, ở đó các em được kết bạn, được chơi có ích… thì các ông chủ sẽ ngồi đếm tiền mỏi tay. Người người vì trẻ con mà mở mang kinh doanh có khi lợi nhuận cao hơn, ý nghĩa xã hội tốt hơn việc mở quán bia rượu, nhà hàng, karaoke… tràn lan như hiện nay?

Nhớ lại chuyện cách đây vài năm. Một người khuyết tật ngồi xe lăn đến cầu thang khách sạn để dự hội thảo giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, nhìn thang máy chỉ dành riêng cho người khỏe mạnh, người khuyết tật bất lực bật khóc! Từ đây người ta mới giật mình rằng, có bao nhiêu tòa nhà, cao ốc, nhà hàng, khách sạn khi thiết kế đã để tâm đến người khuyết tật?

Nếu biết suy nghĩ trước cảnh bất công với mình, chắc nhiều trẻ cũng òa khóc, không chỉ riêng cảnh bị “nhốt” khi hè đến.

Ngẫm cũng thấy xã hội ít quan tâm trẻ con quá! Đơn giản như đến nhà hàng, nơi chúng ta được coi là thượng đế, chỉ thấy các dịch vụ tập trung cho bố mẹ, từ thức ăn, nước uống đến bàn ghế, phục vụ. Trẻ con bị coi là “đi kèm”. Ở các nước tiên tiến, khi gia đình đi nhà hàng, trẻ con được ưu tiên đặc biệt. Hầu hết các nhà hàng đều có khu vui chơi riêng cho trẻ. Ở đâu có trẻ em, ở đó có sự quan tâm tốt nhất!

Bởi vậy, nhìn cảnh các bậc phụ huynh ở Giáp Nhị, Thịnh Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội), đang lên kế hoạch tự xây khu vui chơi cho các con hè này mà ái ngại quá!

Bọn trẻ thành phố khổ thật. Tâm hồn chúng nghèo đến độ không tả chính xác được con bò, con trâu; không diễn tả được thế nào là “mênh mông”, “bát ngát”... Có gì lạ không, khi tỷ lệ nộp hồ sơ thi khối C (Văn, Sử, Địa) thấp đến ngao ngán, có trường chỉ 0,1%! Nếu không phải các môn cơ bản, lại rơi vào quyền quyết định của mấy trường dân lập thì ít người học thế này chắc những môn học ấy sẽ bị khai tử. Có gì lạ không, khi sau mỗi kỳ thi, chúng ta lại cười ngả nghiêng trước những câu văn ngây ngô. Chúng ta vui gì, tự hào gì khi đào tạo ra những công dân toàn cầu nhưng tâm hồn thì trống rỗng? Trước sự thất thế thảm hại của khối C, một giáo sư thốt lên “nguy cho dân tộc”!

Mùa hè này, thêm những đứa trẻ vào "lồng kính" lại thêm những mối lo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.