Niềm tin và hy vọng

Một trong số 5.000 bức ảnh về Hà Nội bày tại “triển lãm trực tuyến” Ảnh Hà Nội- Hanoi's Panorama & Skyline Gallery
Một trong số 5.000 bức ảnh về Hà Nội bày tại “triển lãm trực tuyến” Ảnh Hà Nội- Hanoi's Panorama & Skyline Gallery
TP - Hơn hai năm nay, số nhà 146 Quan Thánh và số nhà 5 Đặng Dung bỗng nổi lên trên mặt báo như thể hai làng Tà Pình và Động Hía (nổi tiếng về mâu thuẫn truyền kiếp, trong câu chuyện thiếu nhi đọc hồi nhỏ). Ngôi nhà cổ trăm năm tọa giữa phố đẹp, quận trung tâm thủ đô lại sống cảnh ác mộng tắm trong ô nhiễm. Nguyên do đường ống cống bị tắc của nhà này làm ảnh hưởng cả số nhà kia.  

Chính quyền đứng ra giải quyết trong lúng túng, đến nay vẫn chưa yên. Nhà tôi cũng ở đầu Đặng Dung nên chứng kiến hết sự phức tạp của vụ này.

Có những mâu thuẫn âm ỉ đã lâu và chắc không được giải quyết như vụ trên kia, ví dụ khu tập thể Nguyễn Công Trứ- cũng rất trung tâm, nhiều năm nay khó thở bởi tầng nhà cũ nát, sân chơi sân phơi không có, bị chợ giời đồ điện bao vây. Cậu mợ tôi sống ở đây từ thuở còn là trai thanh gái lịch, nhoằng cái đã gần nửa thế kỷ.

Đó chỉ là hai trong nhiều cảnh sống, mức sống còn dưới trung bình của người dân thủ đô thế kỷ 21, năm thứ 61 kỷ niệm ngày giải phóng khiến cho những người yêu thủ đô phải trăn trở mặc dù phải thừa nhận thành phố đã tiến những bước dài lên phía trước.

Nguyễn Việt Hà - tác giả “Con giai phố cổ”, người say mê phố cổ đến nỗi mấy chục năm chỉ loanh quanh sống, sinh hoạt ở nơi không quá bán kính vài cây số lấy Bờ Hồ làm tâm, bảo “Đúng lúc bục đường ống nước sông Đà thì lại ra chỉ thị cấm nói tục, chơi khó nhau quá”. Vỡ đường ống nước lần thứ mười mấy, và thanh sắt rơi vào đầu khi đang tham gia giao thông, và đang đi trên đường thì phát hiện bóng râm không còn do cây lành cây tốt đã bị chặt nghiến tự bao giờ...Vân vân. Thật khó mà bình tĩnh cho nổi.

Trong một bối cảnh rộng hơn, nhà văn Bảo Ninh lại viết “Thật sướng được là người Hà Nội”. Sướng bởi cả nước này nhất là dân thôn quê, có truyền thống cứ gì hay tốt thì vun quén, hy sinh cho Hà Nội cả trong chiến tranh lẫn hòa bình. Nhà văn Nguyễn Đình Lễ thì ý nhị (trong lễ gắn biển tên phố Nguyễn Đình Thi cha ông): “Chúc Người Hà Nội ngày càng giàu có và thanh lịch”.

Giàu có, thanh lịch- đúng vấn đề của Hà Nội hôm nay. Từng thanh lịch, nhưng phôi pha nhiều bởi lắm lý do. Giàu, cũng có, nếu nhìn vào các khu đô thị mới và mức sống của một bộ phận, nhưng chưa phải số đông.

Hà Nội, nơi kẻ yêu thì yêu đến cực đoan, người giận ghét thì dỗi hờn chê bai suốt ngày suốt buổi, thậm chí bỏ đi tìm miền đất hứa khác. Người khen có lý mà người chê cũng hữu lý, có khi còn hơn. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ vẫn là nó khi còn chiếm giữ niềm đau đáu của mọi người. Sẽ còn là nó khi từ nguyên thủ, chính quyền, dân chúng trong ngoài La thành, Long thành ai cũng mong, cũng muốn, cũng không nề hà làm tất cả để nó được xứng tầm thủ đô một nước, hội tụ tinh hoa khí phách, thanh lịch giàu có, “thủ đô mến yêu của ta, là ngôi sao mai rạng rỡ” (Hà Nội niềm tin và hy vọng- Phan Nhân).

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.