Nội công, ngoại kích

TP - Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch hằng năm đạt khoảng trên 2 tỷ USD. Với tiềm năng thế mạnh và lợi ích kinh tế xã hội đó khiến cho nhiều “ông lớn” về thương hiệu cà phê trên thế giới thèm muốn.

Đã có thời điểm, sản lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu đứng ngôi vị số 1. Thế nhưng, thương trường luôn là chiến trường khốc liệt. Thiên hạ người ta không thể thúc thủ dễ dàng để cho cà phê Việt Nam mà cụ thể là thủ phủ cà phê Tây Nguyên một mình một chiếu.

Từ sức hút chất lượng và sản lượng của cà phê Việt, những nhà đầu tư nước ngoài đã sớm toan tính dùng kinh nghiệm và nguồn vốn dồi dào nhảy vào đầu tư phân khúc cà phê nhân thương phẩm. Họ khôn ngoan chọn phân khúc này bởi nó chịu ít rủi ro nhất và cho lợi nhuận lớn trong chuỗi giá trị tạo nên thương hiệu cà phê. Chính điều này khiến cho các doanh nghiệp nội lao đao khi đã eo hẹp về vốn lại phải bao luôn cả hạ tầng vùng nguyên liệu. Sự yếu thế và thiếu bình đẳng trong cạnh tranh, nhiều lúc đẩy thương hiệu cà phê Tây Nguyên phải chịu không ít tổn thương.

Thêm vào đó, sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột bị ông bạn láng giềng với một thị trường mênh mông mặc sức làm giả làm nhái với sản phẩm kém chất lượng. Không chỉ “đội lốt” cà phê Việt, cà phê của xứ này còn quyết hạ gục thương hiệu cà phê Việt bằng cách đoạt luôn cả thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đứng ngồi không yên khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.

Và như thế, nguy cơ cà phê Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu là nhãn tiền. Theo các nhà hoạch định chiến lược cho cà phê Việt, đánh giá về việc này nhận định, về lâu dài, niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam có thể suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là cà phê từ Buôn Ma Thuột thật và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột “rởm”.

Mối lo ngoại xâm chưa nguôi, thì thời gian gần đây rộ lên chuyện nhiều nơi trong nước, các cơ sở tư nhân đua nhau sản xuất cà phê bẩn, cà phê độc hại. Vì lợi nhuận lớn, người ta bất chấp những tác hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng và đẩy nhanh sự suy giảm của thương hiệu cà phê Tây Nguyên nổi tiếng. 

Nguy hại hơn, ngay giữa lòng vương quốc cà phê trứ danh, đã manh nha và đang lan rộng những cơ sở sản xuất chế biến cà phê bẩn với khối lượng lớn.

Thương hiệu cà phê Việt sẽ ra sao khi phải đối phó với hai mũi “nội công ngoại kích”. Chống đỡ với sự xâm lăng, tấn công từ bên ngoài không khó, bội phần gian nan là đối phó với “nội xâm”. Chỉ có thể làm trong sạch ngay nội địa thì thương hiệu cà phê Việt mới đủ mạnh, lan tỏa và khẳng định mình trên phạm vi toàn cầu.

MỚI - NÓNG