Nộp vào dễ, lấy ra khó

Nộp vào dễ, lấy ra khó
TP - Việc lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh nhanh chóng tiếp thu ý kiến phê bình của Báo Tiền Phong, tuyên bố sẽ hoàn tiền cho người bị phạt oan, như cơn gió lạ mát lành buổi chớm hè.

Cơn gió làm giảm tông nhận xét của một phó thủ tướng sau khi tham gia giải quyết khiếu nại - tố cáo của dân ở một số địa phương năm nào: cán bộ của ta đang khá phổ biến tình trạng sai nhưng không nhận, hoặc nhận nhưng không sửa, sửa không đến nơi đến chốn. CSGT Bắc Ninh hiểu nhầm biển báo tốc độ tối thiểu – tối đa ở đường cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh.

Nhưng làm sao thấu đáo hơn để việc khắc phục sai sót được trọn vẹn?

Theo lãnh đạo CSGT Bắc Ninh, những người bị phạt oan còn lưu giữ biên bản sẽ được hoàn tiền. Những người không lưu biên bản xử phạt thì ra sao? Chắc rằng Phòng CSGT Bắc Ninh vẫn lưu giữ liên hai, trong đó có địa chỉ của họ.

Giá mà quý Phòng gửi cho khổ chủ giấy thông báo, nói rõ cần đến đâu, vào ngày nào, để nhận lại tiền thì quý hóa biết mấy (chặt chẽ hơn, quý Phòng nên gửi cho họ quyết định thu hồi lại cái quyết định xử phạt trước đấy).

Một việc nữa, nhiều bạn đọc muốn biết số tiền hoàn lại này họ sẽ được lấy từ kho bạc nhà nước, từ một quỹ nào đó của CSGT tỉnh Bắc Ninh, hay do chính các cán bộ đã phạt oan họ ứng ra trả? Khi câu hỏi này chưa được trả lời, ngay những người còn giữ biên bản phạt oan cũng ngại đi nhận. Bởi công sức, thời gian cũng là thứ quý giá chẳng kém tiền.

Từ vụ này, một lần nữa vấn đề bồi thường cho tổ chức, công dân bị thiệt hại do lỗi của công chức, viên chức, cán bộ tư pháp, lại được khẩn thiết đặt ra.

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, điều 121, quy định cán bộ xử phạt hành chính làm sai, gây thiệt hại, thì phải bồi thường. Luật Dân sự, điều 619, có nói nếu cán bộ công chức làm sai gây thiệt hại, cơ quan của người đó phải bồi thường. Rồi nhiều hơn nữa nghị định, thông tư, và tình đời lẽ sống... Dẫu thế như loạt bài “Giảm oan sai, tăng dân chủ” Tiền Phong đăng tải gần đây đã nêu, từ khi các văn bản này được ban hành, chưa một cơ quan nào thực hiện.

Các cơ quan lập pháp đang thông qua Luật Bồi thường Nhà nước. Nhiều người hy vọng văn bản này sẽ là bước đột phá trong việc bồi thường thiệt hại do lỗi của người thừa hành. Và người ta cũng hy vọng các văn bản dưới luật sẽ sớm được ban hành, để Luật Bồi thường Nhà nước nhanh chóng phát huy tác dụng.

Khi ấy, những người bị phạt oan trên đường cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh mới vui trọn vẹn. Còn bây giờ, có lẽ họ hãy tạm bằng lòng với việc đã nhận được lời xin lỗi công khai trên báo.

MỚI - NÓNG