Phải bảo vệ người chống tham nhũng!

Phải bảo vệ người chống tham nhũng!
TP - Chống tiêu cực, tham nhũng ở bất kỳ đất nước nào cũng là phần việc gian lao, nguy hiểm của những người chấp nhận hy sinh, thua thiệt vì lợi ích cộng đồng. Việt Nam cũng không ngoại lệ, bởi kẻ tiêu cực, tham nhũng hầu hết là cán bộ có thừa tiền - quyền - chức, còn người đương đầu với thế lực này chỉ tựa vào luật pháp, lẽ phải và lương tri.

Chưa có con số thống kê nào được chính thức công bố về sự thiệt hại do tham nhũng gây ra hằng năm ở nước ta. Nhưng chỉ cần theo dõi các phương tiện truyền thông, ai cũng hiểu trong khối nợ công ngày càng phình to mà toàn dân đang gánh chịu, có cả những thiệt hại do những cán bộ có chức quyền vụ lợi, cố ý làm trái, gây thất thoát tài nguyên và ngân sách.

Từ những sự kiện công chúng mắt thấy tai nghe như sông hồ ô nhiễm, tàn phá rừng xanh, bớt xén ngân sách, ăn chặn tiền cứu trợ, quan chiếm đất công, lương tháng vài triệu mà xây biệt thự hàng chục tỷ… Cho đến vô số thủ đoạn không dễ lần ra chứng cứ như thông thầu, rút ruột công trình, “mua” quan “bán” chức, nhận hoa hồng hãng dược để nâng giá thuốc, đòi hối lộ làm sai lệch vụ án  v.v… đều là dấu hiệu và hệ quả của tiêu cực, tham nhũng! Các biến tướng ngày càng tinh vi, nham hiểm của nó đang ra sức bào mòn niềm tin của người dân.

Đương đầu với tệ nạn này, trong những năm qua, nhiều nhà báo viết bài điều tra phanh phui sự thật, bênh vực lẽ phải đã bị hành hung, thậm chí dọa giết. Nhiều công dân kỳ công thu thập chứng cứ đã bị chèn ép đe dọa, phải bỏ xứ tha hương. Chờ khi trắng đen được phân định rõ, không ít người chống tiêu cực tham nhũng đã phải trả giá rất đắt mà sự bù đắp, tôn vinh họ chưa có cơ chế hữu hiệu để
thực thi.               

Sáng qua 9/12, nhân “Ngày Quốc tế Phòng chống tham nhũng”,  trong buổi tọa đàm “Chung tay phòng chống tham nhũng vì sự phát triển” do Thanh tra Chính phủ và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đồng tổ chức, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã nhận định tại Việt Nam, tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng của quốc gia. 

Còn ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng phải tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí! Phải tổ chức các kênh để người dân tham gia đóng góp ý tưởng phòng chống tham nhũng, thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân, đảm bảo không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng. Tổng Thanh tra còn khẳng định: Việc tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng xứng đáng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới!

Cuộc chiến chống tham nhũng đang ngày càng được đẩy mạnh, không khoan nhượng giữa những công dân xả thân vì lợi ích cộng đồng với những quan chức thoái hóa biến chất sẵn sàng hãm hại bất cứ ai dám chống đối. Và trong cuộc chiến này, báo chí đã thành điểm tựa của nhân chứng, nhà báo đã thành chiến sĩ với vũ khí là tấm lòng trong sạch, sự hiểu biết và ngòi bút thép không thể bẻ cong!.

MỚI - NÓNG