Phải có trả lời

Phải có trả lời
TP - Luật Bảo vệ Người tiêu dùng đang được Bộ Công Thương soạn thảo và lấy ý kiến các đơn vị liên quan với nhiều điểm tích cực.

Để giải quyết những khó khăn trong bồi thường thiệt hại của người tiêu dùng hiện nay là chứng cứ đâu, dự thảo luật quy định, trong các vụ kiện dân sự đòi bồi thường do hàng hóa kém chất lượng, người tiêu dùng không phải đưa ra chứng cứ chứng minh lỗi của nhà sản xuất.

Nghĩa vụ chứng minh không có lỗi thuộc về doanh nghiệp. Điều này được hiểu, khi bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng không phải tự mình đơn độc tìm chứng cứ, thay vào đó, tòa sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải đưa ra chứng cứ về sự trong sạch của mình.

Tuy nhiên, sự tiến bộ này chỉ phát huy hiệu quả khi các cơ quan quản lý nhà nước làm đúng chức trách. Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tỏ ra lo ngại về năng lực cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm hiện nay.

Bà Loan dẫn chứng về những khốn khó của Cty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) do những thông tin tiền hậu bất nhất về sản phẩm sữa nhiễm melamine. Thông tin chưa được xử lý tốt ấy còn khiến sữa của hàng trăm nông dân nuôi bò phải đổ xuống mương.

“Tôi có nói với doanh nghiệp này rằng, đáng ra cơ quan quản lý phát ngôn thông tin trên phải đứng ra xin lỗi họ. Nhưng, tại Việt Nam, việc một cơ quan quản lý nhà nước nhận lỗi khó lắm. Bộ trưởng Bộ Y tế đến Cty rồi uống sữa Hanoimilk cũng là tốt lắm rồi” - Bà Loan nói tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, tổ chức ngày 31/7 tại Đà Nẵng.

Mới đây nhất, đến lượt Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bị ăn quả đắng vì sự tắc trách của cơ quan quản lý thực phẩm.

Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm TP Hải Phòng khẳng định, ba mẫu sữa của Vinamilk không đủ hàm lượng chất béo như ghi trên vỏ hộp. Cơ quan này buộc doanh nghiệp đình chỉ lưu thông và thu hồi các lô hàng này. Các lô hàng tiếp theo cần có phiếu xét nghiệm chứng minh chất lượng đúng như công bố mới được lưu hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Động thái của cơ quan quản lý thực phẩm Hải Phòng nghe có vẻ rất trách nhiệm. Nhưng, khi Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc thì sự thật lại không phải vậy.

Đến lúc này, Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm TP Hải Phòng buộc phải có văn bản sửa sai, ngừng đình chỉ lưu thông các sản phẩm này. Sau gần hai tháng, ba sản phẩm của Vinamilk đã được giải oan như phản ánh trên Tiền Phong số ra hôm qua.

Trong công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên đề nghị: “Chúng tôi chỉ mong các cơ quan nhà nước làm đúng luật, mọi sự phản hồi của doanh nghiệp thì phải có trả lời”.

“Phải có trả lời” như yêu cầu của doanh nghiệp có thể được hiểu như việc ngành y tế xác nhận hoặc thừa nhận tác nghiệp của mình có sai sót. Kỳ vọng hơn, “phải có trả lời” cũng có thể là một lời xin lỗi chính thức của cơ quan quản lý gửi đến doanh nghiệp bị tổn hại bởi một quyết định hành chính nào đó.

Sòng phẳng trước sai sót là cách mà nền hành chính hiện đại đang hướng đến, và cũng là cách làm gương để buộc doanh nghiệp và các đối tượng khác phải noi theo, để hưởng lợi cuối cùng là không ai khác ngoài nhân dân.

Xem ra, quyền lợi người tiêu dùng chỉ có thể được đảm bảo một khi cả doanh nghiệp và cơ quan công quyền tự giác hành xử theo đúng những gì mà luật pháp quy định. Bằng không, luật Bảo vệ Người tiêu dùng dù tiến bộ mấy cũng khó mà làm xoay chuyển tình trạng thực phẩm mất an toàn như hiện nay. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.