Phải làm sạch nợ xấu

Phải làm sạch nợ xấu
TP - Tái cấu trúc ngân hàng, về lý thuyết là nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, nhưng thực tế hiện nay nếu không tái cầu trúc thì nguy cơ sụp đổ rất lớn.

> Hợp nhất ba ngân hàng tại TP HCM

Phải ngăn chặn rủi ro hệ thống mà chủ yếu rủi ro tài chính bằng việc tái cấu trúc. Có nhiều nguyên tắc tái cấu trúc, nhưng nguyên tắc cốt lõi nhất là làm sạch nợ xấu. Việt Nam đang trong quá trình xây dựng đề án tái cấu trúc và quá trình này phải có thời gian vì còn phải tìm ra con số thực của nợ xấu. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm các nước, người ta chia ra làm 3 loại để có cách tái cấu trúc hợp lý, đó là ngân hàng tốt; ngân hàng khó khăn nhưng chưa nghiêm trọng và ngân hàng xấu.

Đối với ngân hàng xấu, nếu không tái cấu trúc thì không thể tồn tại, và việc đầu tiên là làm sạch nợ, mua bán, sáp nhập và quốc hữu hóa.

Việc xóa nợ xấu: thứ nhất, dùng dự phòng rủi ro để xóa; thứ hai, chủ sở hữu phải tăng vốn để xóa nợ xấu; thứ ba là huy động vốn góp bên ngoài từ cổ đông. Cả ba giải pháp trên nếu không giải quyết được thì Chính phủ phải mua lại nợ xấu này và sau đó bán lại.

Hiện, nợ xấu ngân hàng lớn. Nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Giám sát không biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu. Các ngân hàng thương mại (NHTM) báo cáo không chính xác, nguyên nhân do hạch toán nợ xấu không minh bạch, thứ hai do vấn đề đạo đức, quản lý có vấn đề.

Chúng tôi ước tính 1/3 số NHTM báo cáo tương đối đúng còn lại các báo cáo đều rất đáng ngờ. Quả thực, khi chúng tôi kiểm tra một số ngân hàng nghi ngờ thì điều mình nghi ngờ là hoàn toàn đúng, con số nợ xấu vượt báo cáo của họ nhiều lần. Nhiệm vụ của NHNN và Ủy ban Giám sát là phải làm thế nào để biết chính xác nợ xấu, vì nếu không có con số thật thì mọi chương trình tái cơ cấu ngân hàng trở nên vô nghĩa.

Kinh nghiệm của tôi từ lần đầu tiên tái cấu trúc ngân hàng (2001-2004) cho thấy, khi bảo báo cáo kết quả tài chính có tính chất để khoe khoang thì người ta báo cáo nợ xấu rất thấp, nhưng khi nói báo cáo nợ xấu để được xóa nợ thì họ sẽ báo cáo rất cao, tức con số rất thật.

Đến thời điểm chuẩn bị đưa ra chương trình tái cấu trúc tài chính chúng tôi sẽ làm báo cáo chuyên đề và yêu cầu các NHTM báo cáo sự thật về nợ xấu để được tham gia vào chương trình tái cấu trúc, nếu ngân hàng nào không báo cáo sẽ không được tham gia. Các ngân hàng sẽ báo cáo hết, lúc bấy giờ mới lộ ra.

Ngoài vấn đề nợ xấu cần xử lý, hiện vấn đề lương thưởng của các ngân hàng cũng khá cao, ít nhất cũng phải gấp 3-4 lần lương của các lĩnh vực khác. Lương của cán bộ quản lý cấp cao trong ngân hàng, người cao nhất hiện nay khoảng 12-15 nghìn USD/tháng và người thấp nhất cũng vào khoảng 300-400 USD/tháng. Nếu không có những thay đổi về mặt nhận thức về cấu trúc thì lương cứ thế tăng lên.

Các ngân hàng luôn có tư tưởng giữ bằng được cán bộ cấp cao ở lại và tăng lương tới số cho họ để họ không đi sang ngân hàng khác. Mặc dù lương cao nhưng mặt bằng quản lý và toàn bộ kết quả quản lý thì không tương xứng.

* TS Lê Xuân Nghĩa
Hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia

Đại Dương

(ghi)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.