Pháp luật phải ra tay

Pháp luật phải ra tay
TP - Chưa bao giờ nỗi bất an thực phẩm bẩn của người dân lại thường trực mọi lúc mọi nơi đến như vậy! Và cũng chưa bao giờ những biện pháp “tự cứu mình trước khi trời cứu” lại rầm rộ đến thế ! Phong trào trồng rau, nuôi gà trên sân thượng hoặc “tiếp tế” thực phẩm từ quê lên nở rộ khắp phố phường.

Đáng buồn hơn, phần lớn vấn nạn thực phẩm bẩn là do ta tự hại ta, người Việt tự hại người Việt mà ra. Thật độc ác, vì lợi nhuận mà những kẻ sản xuất, chế biến và buôn bán thực phẩm bẩn đã thẳng tay pha chế, tẩm ướp hóa chất độc hại cho chính đồng bào mình xơi. Muốn có 101 lít dấm, pha 1 lít axít với 100 lít nước lã. Muốn làm tương ớt giá rẻ, vài thìa chất tạo cay với phẩm màu công nghiệp là có cả chục can. Muốn có màu vàng bắt mắt, “đũa thần” bột vàng ô (chất chuyên dùng để nhuộm trong công nghiệp sợi, da, giầy, tên khoa học là Auramine O) giải quyết được hết : Muốn da gà có màu vàng cho ăn cám trộn vàng ô, muốn măng có màu vàng ngâm với vàng ô, muốn dưa cà muối vàng óng cũng trộn vàng ô nốt… Muốn hô biến thịt lợn thành thịt bò, ngâm thịt lợn với bột vạn năng sodium metalbisulfite và tiết bò là xong. Lợn muốn nhiều nạc cho ăn cám trộn salbutamol, cá tôm muốn hết bệnh cứ đổ xuống ao thật nhiều kháng sinh cho chắc. Rau phun đủ loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ dùng để bán ngoài chợ, còn rau nhà ăn trồng riêng một luống.

Thật không thể kể xiết những hành vi độc ác mà những kẻ vô lương tâm đang từng ngày từng giờ đầu độc chính đồng bào mình, giống nòi mình.

Điều nguy hiểm là hàng chục triệu người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch, thậm chí không có sự lựa chọn nào khác là vẫn phải ra chợ mà mua. Tỷ lệ người ung thư tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng đứng hàng đầu thế giới, hẳn có liên quan tới yếu tố thực phẩm bẩn nói trên.

Đến hẹn lại lên, mỗi năm đều có tháng hành động vì VSATTP với các chiến dịch ra quân, thanh kiểm tra rầm rộ. Nhưng rốt cục đâu vẫn lại vào đấy. Thiết nghĩ, hành động thiết thực và hiệu quả nhất để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ giống nòi phải là sự ra tay quyết liệt, đồng bộ và thường xuyên của các cơ quan có trách nhiệm. Làn sóng nói không với thực phẩm bẩn đang diễn ra sôi nổi, hy vọng  cùng với những hình phạt nghiêm khắc trong Điều 317 “Tội vi phạm quy định về VSATTP” của Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ 1/7 tới), những kẻ làm ăn bất lương sẽ bị trừng trị, vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ được đẩy lùi.

MỚI - NÓNG