Phi đại học bất thành nhân

Phi đại học bất thành nhân
TP - Khách miền Bắc có dịp vào TPHCM hẳn sẽ ngạc nhiên với những tấm bảng như: "sầu riêng cơm vàng hạt lép bao ăn", "mận (doi) bao ngọt".

> Luyện thi là đỗ - thật hay bịp? 

Ý là ai mua sầu riêng sẽ được ăn thử, không lấy tiền. Ăn thử mận, không ngọt khỏi móc ví. Một hai năm trở lại đây, xuất hiện những tấm bảng "bao ăn" tương tự, nhưng hàng ở đây không phải là mấy thứ trái cây: luyện thi đại học bao… đỗ.

Nghĩa là không đỗ, trả lại toàn bộ, hoặc một phần học phí. Nhiều cơ sở sẵn sàng quảng cáo "đảm bảo 100% đỗ đại học". Những cơ sở này tổ chức hoạt động luyện thi không khác gì một trại lính: học sinh ăn, ngủ, ôn thi tại cơ sở, chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Các em phải học 6 ca/ngày, từ 5 giờ sáng tới 12 giờ đêm, không được liên lạc với bên ngoài, kể cả gia đình, nếu chưa thông qua trung tâm.

"Trung tâm thu 25 triệu đồng/em, đóng một lần duy nhất. Các em sẽ học trong một tháng, từ 5-6 đến đầu tháng 7, thời điểm thi đại học, nếu không đậu, trả lại 19 triệu đồng. Còn nếu không lấy lại tiền, các em có thể học miễn phí đến khi nào đậu mới thôi", chủ một "trung tâm luyện thi bao đậu" ở quận Tân Phú quảng cáo.

Nói chung, phụ huynh càng trả nhiều tiền thì con càng được các thầy cô chăm sóc kỹ. Bảng giá của một trung tâm ghi như sau: Học phí có 3 loại. Loại 1: 8 triệu đồng/khóa (lớp chỉ 5 học sinh học 2 buổi/ngày); loại 2: 4 triệu đồng/khóa (15 học sinh, học 2 buổi/ngày), loại 3: 2 triệu đồng/khóa (20 học sinh, học 1 buổi/ngày).

Dù không phải ai cũng tin vào khả năng của những trung tâm kể trên, nhưng sự tồn tại và "phát triển" của chúng cho thấy tâm lý bằng mọi giá phải vào được đại học vẫn tồn tại ở nhiều bậc cha mẹ. Cho dù con cái họ không phải là không có năng lực (vì học quá yếu sẽ bị các trung tâm loại ngay từ buổi kiểm tra đầu tiên), nhưng việc "phi đại học bất thành nhân" đã ăn sâu vào tâm trí họ.

Tất nhiên, mong muốn của họ không có gì sai trái. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, ăn trắng mặc trơn cho mình và con cái. Nhất là trong lúc nhiều thứ bằng cấp, từ tấm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng lái xe, thậm chí là bằng tiến sỹ cũng có thể kiếm được bằng tiền thì bỏ ra vài chục triệu đồng để đảm bảo một suất vào đại học cho con cái cũng không quá khó hiểu. Các bậc cha mẹ cũng không có thời gian và trách nhiệm quản lý để mà phải nghĩ đến việc nước ta có thừa thầy thiếu thợ hay không, có mất cân đối trong giáo dục không.

Nhưng xét từ cái nhìn vĩ mô, việc người dân không mặn mà với việc học để trở thành công nhân kỹ thuật bậc cao, thích làm thầy hơn làm thợ là điều đáng suy nghĩ đối với các cơ quan quản lý, dù điều này tồn tại đã lâu. Một khảo sát mới đây tại 13 khu công nghiệp- khu chế xuất của TPHCM cho thấy 84% số lao động tại đây là những người chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học.

Số lao động qua đào tạo trung cấp chỉ chiếm 8,9%, cao đẳng còn thấp hơn: 2,8%. Trong vài năm tới, nhu cầu nhân lực của những khu công nghiệp này cũng chỉ thiên về lao động phổ thông. Nếu đầu ra cho công nhân kỹ thuật, trung cấp, cao đẳng nghề luôn thấp thì việc người ta đổ xô vào đại học bằng mọi giá là tất nhiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.