Phông văn hóa

Phông văn hóa
TP - Đầu xuân, khắp nơi khắp chốn đua nhau tổ chức hội làng, to nhỏ đủ cả. Nhiều lễ hội từ xa xưa núp dưới cái bóng bảo tồn văn hóa truyền thống được “phục chế”, “phục dựng”, bất kể nó có thực sự mang ý nghĩa nhân văn hay không.

Cứ xem cái cách nhiều “bô lão” kiên quyết “bảo tồn” bằng được một “hội làng” cho dù bị báo chí, giới nghiên cứu văn hóa và nhiều người dân lên án là mọi rợ, là “phản cảm”, để hòng mưu lợi vật chất cho “nhóm lợi ích” của mình thì đủ biết.

Người lớn đã như thế thì làm sao bảo ban được con cháu, làm sao truyền tải được những điều tốt đẹp của cuộc sống, của văn hóa truyền thống, và làm sao phân biệt được trong những điều xưa cũ, không phải cái gì cũng tốt, cái gì cũng đáng bảo tồn. Nên chuyện nam thanh nữ tú đi chùa mặc áo hai dây, váy ngắn, ăn nói thô tục, đi chùa mà chẳng cần biết Phật, cũng là điều tất yếu.

Ngày xưa ta lên án những trò “tham tiền, cột mỡ lắm anh leo” để nói chuyện bọn thực dân ru ngủ dân ta bằng những trò chơi “hội làng”, “hội chợ-đấu xảo”, để họ quên đi thân phận của người dân một xứ thuộc địa. Nay đâu còn thực dân, cũng chẳng có ai ở đó mà ru ngủ chúng ta, nhưng những trò “cột mỡ” vẫn nở rộ? Nguyên nhân thì khá rõ và cũng rất nhiều người đã nhìn thấy, chỉ có điều để thay đổi thực ra không hề dễ dàng và sự thay đổi, nếu có, cũng không đến nhanh chóng.

Lễ bái quá đà, cướp ấn, sờ đầu rùa, nhét tiền vào tay Phật… những hành vi phản ánh niềm tin của rất nhiều người vào những thế lực siêu nhiên nào đó. Nhưng nếu những niềm tin ấy chỉ giới hạn ở một lớp người lớn tuổi, chịu ảnh hưởng của những quan niệm xưa cũ nào đó, thì đã đành.

Điều đáng ngại là những cô cậu đang ở tuổi học sinh, sinh viên, sống giữa thời đại toàn cầu hóa, thời đại của thông tin, của internet mà vẫn chưa biết đặt niềm tin của chính mình vào đâu thay vì những niềm tin “thần quyền”, bắt chước theo một số người lớn tuổi thì có thể gọi đây cũng là một dạng khủng hoảng tinh thần.  Giới trẻ ngày nay tiếp nhận thông tin chủ động hơn trước và không dễ gì có thể dùng vai “bề trên” mà dạy dỗ, “giáo dục” họ được. Có lên án họ, có chỉ trích họ thì xem ra, những hình ảnh “phản cảm” của giới trẻ nơi hội hè, đền chùa sẽ vẫn cứ tiếp diễn.

Ứng xử của một người phụ thuộc rất lớn vào phông văn hóa của người ấy. Nên chỉ khi phông văn hóa thay đổi, cải thiện thì mới bớt cảnh “phản cảm” của người trẻ nơi đền chùa, lễ hội.

MỚI - NÓNG