Phục dựng lòng tin

Phục dựng lòng tin
TP - Tất cả các tổ chức, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều thừa nhận về sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và độc quyền trong một số lĩnh vực dịch vụ, hàng hóa.

Tuy nhiên, việc người dân kém tin tưởng vào sự minh bạch trong hoạt động của một số doanh nghiệp độc quyền như ở Việt Nam là có thật, điển hình nhất như trong lĩnh vực điện và xăng dầu. Chưa nói gì tới những vấn đề to lớn, chỉ mỗi việc nho nhỏ là ghi và tính số điện sao cho chính xác, minh bạch để người dân có thể tin tưởng được đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Thậm chí, người dùng điện đã mặc nhiên nghĩ rằng, mỗi khi tiền điện tăng cao hơn so với tháng trước đó đều do nhân viên ngành điện ghi sai, tính nhầm (không phải do mình dùng nhiều). Dù ngành điện có giải thích ra sao, chứng minh thế nào vẫn còn đó đầy những nghi ngờ, không còn chuyện tiền điện nhiều hay ít, chỉ đơn giản có tin được hay không.

Đã có nhiều trường hợp ghi sai, ghi tăng số điện so với thực tế, nên việc này cần phải được coi trọng và có giám sát. Ngoài việc chờ đợi người dân khiếu nại mới xác minh, giải thích, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần vào cuộc bảo vệ lợi ích người dân và danh dự của mình. Nếu không làm rõ, người dân vẫn tiếp tục nghi ngờ tính minh bạch của EVN, như vậy không có lợi gì với chính EVN.

Để hạn chế sai sót và lấy lại niềm tin người dân, cần lập cơ quan giám sát độc lập từ những việc nhỏ như ghi và tính số điện, lớn hơn là hoạt động của EVN. Qua đó xóa bỏ đi thực tế buồn Bộ Công Thương “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa quản lý nhà nước vừa chủ sở hữu EVN. Cũng vì thực tế đó cho người dân được quyền nghi ngờ chính sự “sòng phẳng” của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương vừa quản lý nhà nước và thực thi công vụ vì lợi ích người dân nhưng không biết bộ dành bao nhiêu phần bảo vệ người tiêu dùng và thực thi pháp luật, bao nhiêu phần để bảo vệ lợi ích bản thân doanh nghiệp mình sở hữu (EVN)? Do đó, có một cơ quan giám sát độc lập sẽ vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ bản thân EVN, lại đảm bảo minh bạch để người dân tin tưởng.

Nhìn rộng ra các hàng hóa, dịch vụ nhà nước độc quyền khác, tất cả đều phải có cơ quan giám sát độc lập như các nước tiên tiến đã làm và cho kết quả thuyết phục. Theo đó, cơ quan này chỉ hoạt động theo pháp luật, chỉ chịu sự giám sát của Quốc hội, không trực thuộc cơ quan đơn vị nào khác. Nếu được vậy, không chỉ EVN và các DNNN được “minh oan”, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác cũng không phải “mang tiếng” vừa đá bóng vừa thổi còi. Và trên hết, sự tin tưởng của người dân được phục dựng lại.

TS Lê Đăng Doanh

MỚI - NÓNG