Phục vụ & bắt lỗi

Phục vụ & bắt lỗi
TP - Trung tuần tháng 5 vừa qua, bà quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức Iris Gleicke dẫn đầu một đoàn gồm hàng chục doanh nghiệp nhỏ và vừa sang tham dự Diễn đàn kinh tế Đức tại Việt Nam.

Trao đổi tại cuộc gặp gỡ với báo chí ở Hà Nội, bà Gleicke cho biết trách nhiệm của chính phủ Đức là tập trung hỗ trợ, phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì đây chính là xương sống của nền kinh tế Đức, chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp. Hỏi vì sao lại hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà không hỗ trợ DN lớn, bà Gleicke trả lời rằng các DN lớn có đầy đủ các bộ phận chuyên nghiệp (VD như Nghiên cứu và phát triển - R&D, Quan hệ công chúng – PR…), nguồn lực tài chính dồi dào nên không cần phải hỗ trợ, trong khi đại đa số các DN nhỏ và vừa lại không thể có.

Quả thực, chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt nên đội ngũ DN nhỏ và vừa của Đức rất mạnh. Chính họ đã làm nên thương hiệu “Made in Germany” nổi tiếng khắp toàn cầu.  Cách đây vài năm, tôi có dịp tham dự hội chợ quốc tế Green Week nổi tiếng tại Berlin. Trong số nhiều DN gia đình tôi gặp tại đây, có một DN chuyên làm nhà kính và các loại cửa kính cách nhiệt khiến chủ tịch một tập đoàn có tiếng ở VN phải trầm trồ thán phục. Đó là những tấm cửa kính đốt lửa đùng đùng ở mặt ngoài mà mặt trong sờ tay vẫn lạnh ngắt, hay những mái nhà kính có rèm điều khiển từ xa được đúc sẵn ở bên trong, giúp người làm vườn dễ dàng kéo rèm che bớt nắng nếu cần. Một loạt sản phẩm hàm lượng công nghệ cao tưởng chừng chỉ các nhà máy hay DN lớn mới có khả năng nghiên cứu, chế tạo. Ấy vậy mà những sản phẩm đó chỉ do một DN nhỏ tầm cỡ gia đình, cha truyền con nối của Đức chế tạo.

Quay trở lại vấn đề của DN Việt Nam, trong đó có các DN tư nhân nhỏ và vừa, hiện chúng ta đã nhận diện ra hàng loạt bất cập, rào cản cần phải loại bỏ. Đó là, chi phí kinh doanh cao nhất khu vực ASEAN, trong đó chi phí “ngoài luồng” chiếm tới 10% tổng doanh thu, chi phí về logistics cao một cách vô lý; thủ tục hành chính chậm trễ, phiền hà; lãi suất cho vay cao, thường xuyên ở mức 2 con số. Không ít DN một năm phải tiếp tới 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chính vì vậy ngay tại hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp vào ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định ký ngay một chỉ thị “không được thanh tra 1 năm quá 1 lần”.

Dẫu biết còn nhiều yếu tố khác dẫn đến sự thành công, song nêu hai câu chuyện của DN Đức và Việt Nam để thấy rằng: Chỉ khi nào bộ máy nhà nước, từ trung ương tới địa phương, thực sự chuyển mình từ tư duy “quản lý”, “bắt lỗi” sang tư duy “phục vụ” DN, khi đó DN tư nhân Việt mới có một môi trường lành mạnh để cất cánh, hội nhập quốc tế.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.