Quả bóng và đồng tiền

Quả bóng và đồng tiền
TP - Hỏi 10 ông bầu thì chắc đến chín đều khẳng định nguồn thu của CLB không thấm vào đâu so với khoản chi 70-80 tỷ đồng/năm. Trả lời Tiền Phong và nhiều báo, quan chức LĐBĐVN (VFF), như Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ hay Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn cũng đều thừa nhận, hơn 10 năm lên chuyên nghiệp,

> Đã đến lúc

bóng đá VN hiện nay vẫn phải sống dựa vào tiền của doanh nghiệp và các ông bầu. Chỉ tính riêng 14 đội V.League, mỗi năm cũng tiêu tốn hơn nghìn tỷ đồng.

Bóng đá tốn kém, lại không sinh lợi, vì sao trong một giai đoạn dài, doanh nghiệp lại thích đầu tư nhiều đến thế? Sài Gòn Xuân Thành, tiền thân chỉ là đội hạng Nhất Hoà Phát V&V, được bầu Thuỵ mua lại rồi “chuyển hộ khẩu” vào Thành phố Hồ Chí Minh trước khi “đổ” hàng chục tỷ đồng mua sắm cầu thủ.

Hay như ông bầu Đỗ Quang Hiển của ngân hàng SHB và Tập đoàn T&T, một tay cùng lúc đầu tư vào cả hai CLB SHB Đà Nẵng lẫn Hà Nội T&T. Hà Nội T&T có những năm được cho là chi không dưới cả trăm tỷ đồng.

Trong khi để quảng bá thương hiệu, bản thân bầu Hiển cũng khẳng định, còn nhiều kênh khác hiệu quả hơn đầu tư vào bóng đá.

Một thực tế rất nhiều người biết, là từ khi rót tiền cho SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, thì công việc kinh doanh của Tập đoàn T&T cũng như ngân hàng SHB ngày một phát đạt ở cả Đà Nẵng và Hà Nội. Bầu Hiển gọi đó là hiệu ứng của bóng đá, như một lần trả lời Tiền Phong.

Một ví dụ khác, khi tài trợ cho SLNA, ngân hàng Bắc Á lập tức được Nghệ An tạo điều kiện đất đai thực hiện dự án nuôi bò sữa ở huyện Nghĩa Đàn, kèm theo nhiều ưu đãi khác.

Trong rất nhiều trường hợp, bóng đá trở thành công cụ để doanh nghiệp đổi lại những ưu đãi về đất đai, cơ chế của các địa phương. Mặt trái của cách làm trên thì hiện nay ai cũng thấy.

Thị trường địa ốc “đóng băng”, kinh tế khó khăn, bóng đá tự nhiên trở thành gánh nặng với các doanh nghiệp. Nhiều ông bầu hiện chưa rút chân được khỏi bóng đá, có lẽ cũng chỉ vì còn vướng ràng buộc với địa phương.

VFF có nắm được thực trạng trên hay không? Câu trả lời chắc chắn là có. Báo chí, truyền thông liên tục cảnh báo.

Thế nhưng, trong suốt một thời gian dài, VFF vẫn làm ngơ, để mùa giải nào cũng kết thúc bằng các bản báo cáo với rất nhiều các con số lạc quan. Để dẫn đến thực trạng hiện nay, VFF và cả các ông bầu khó tránh khỏi trách nhiệm vì kiểu làm bóng đá nhưng không vì bóng đá trên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG