Quả đấm gì?

Quả đấm gì?
TP - Lâu nay, kinh tế nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nước ta và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xem là những quả đấm thép. Thời gian qua, các thực thể kinh tế này thi đấu ra sao và những quả đấm ấy hướng vào đâu?

Hồi cuối năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến người ta giật mình khi thông báo thua lỗ tại sân chính hàng trăm tỷ đồng nhưng lại lãi 665 tỷ đồng khi đầu tư ngoài ngành.

Cho nên không có gì ngạc nhiên khi gần một nửa tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhảy sang kinh doanh các lĩnh vực nóng của nền kinh tế (như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản) với một lượng vốn lên tới trên 23.000 tỷ đồng.

Một cuộc khảo sát cho thấy chỉ 160 DNNN đã tạo ra khoản lỗ 1.452 tỷ đồng trong hai năm 2002 – 2003. Đến hết năm 2008, số nợ của 70 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước lên tới 28 tỷ USD, bằng 40 phần trăm GDP của Việt Nam năm 2007.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế được trao quyền nắm giữ, khai thác, sử dụng nhiều nguồn lực quan trọng, được dành cho nhiều ưu đãi về tiếp cận nguồn vốn, cơ chế hoạt động, chính sách thuế…

Nhưng thực tế cho thấy các DNNN sử dụng nguồn lực vào các khoản đầu tư tràn lan, kém hiệu quả; lạm dụng tài sản tập thể; lạm dụng quyền lực độc quyền trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Việc nắm giữ và sử dụng nguồn công sản lớn cũng dễ dẫn đến tình trạng thất thoát, tham nhũng nếu không có cơ chế giám sát, thanh tra hiệu quả.

Chính phủ đang chỉ đạo chuẩn bị sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế. Trước mắt, kiểm soát chặt việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đồng thời đẩy mạnh việc sắp xếp đổi mới DNNN.

Nhưng có lẽ cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của chúng là xóa bỏ bớt đặc quyền, đặc lợi đang tạo ra sức ì và cả sự bảo thủ.  

MỚI - NÓNG