Quản & buông

Quản & buông
TP - Có thể nói, vụ nổ gây cháy, sập nhà rạng sáng 24-2 tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến cháy nổ tại TPHCM kể từ năm 2002, khi xảy ra vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ngày 29-10 khiến 60 người thiệt mạng và 70 người bị thương.

> Văn hóa giành giật
> Giá xăng & lạm phát

Cho dù kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ nổ đang còn chờ cơ quan điều tra, nhưng ngay từ lúc này gần như đã có thể khẳng định vụ việc liên quan đến hoạt động tàng trữ vật liệu nổ.

Tòa nhà văn phòng của báo Tiền Phong nằm cách hiện trường gần 100m mà cửa kính bị sức ép từ vụ nổ đánh bung ra, giấy tờ trong phòng tầng 2 bay tung tóe, vôi vữa cát bụi vương vãi khắp nơi, chứng tỏ sức công phá của vụ nổ không hề nhỏ.

Rất có thể vụ án nếu được khởi tố sẽ không có bị can bởi nhiều khả năng người phải chịu trách nhiệm chính nằm trong số các nạn nhân thiệt mạng. Ông Lê Minh Phương, 58 tuổi, người được biết tới với nghệ danh “Phương khói lửa” cùng gia đình bốn người đã thiệt thân. Âu cũng là câu “sinh nghề tử nghiệp”.

Nhưng còn các nạn nhân khác đâu có liên quan gì nhưng cũng hứng chịu những cái chết tức tưởi. Có tờ báo nhận định đây là vụ nổ khá hy hữu.

Tuy nhiên, theo lời đạo diễn Tường Phương, người từng hợp tác làm phim với ông Lê Minh Phương kể với các phóng viên: “Trước đây, nhà anh Phương cũng từng bị nổ tan hoang trong lúc đang dựng phim trường, may là lúc đó không có ai ở bên trong. Lần này không hiểu sao lại đến nông nỗi như vậy”.

Nghĩa là đây không phải một vụ tai nạn hy hữu và Công ty cổ phần giải trí Lạc Việt mà ông Lê Minh Phương làm giám đốc ,trụ sở đặt tại căn nhà thuê nói trên, được Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giải trí và công việc chính của ông là tạo hiệu ứng cháy nổ cho các bộ phim.

Trong buổi họp báo nhanh ngay trong ngày 24-2, đại diện công an TPHCM đặt vấn đề tại sao ông Phương lại trữ những loại vật liệu cháy nổ như trên và cho hay công an thành phố đang điều tra. Công an cũng khẳng định việc ông Phương trữ vật liệu cháy nổ là vi phạm quy định về quản lý vật liệu cháy nổ.

Cơ quan chức năng cho hay, liên quan đến các hóa chất gây cháy nổ làm đạo cụ, vũ khí khi đóng phim, đơn vị hoặc cá nhân nào muốn sử dụng phải đăng ký với công an, ngay cả việc tạo khói màu trên phim trường cũng phải được công an cho phép.

Nói như vậy có nghĩa là trong công tác quản lý, cơ quan chức năng không thiếu luật và các quy định dưới luật. Nhưng dù đã có những vụ nổ trước đó, dù lưu trữ hóa chất, đạo cụ gây nổ phải trải qua nhiều loại thủ tục và điều kiện, một thực tế là tai nạn thảm khốc đã xảy ra, nhiều người đã thiệt mạng.

Mà đâu chỉ một người làm nghề tạo khói lửa trong phim mới có thể gây nguy hiểm cho chính mình và cho cộng đồng? Một cửa hàng gas trong khu dân cư, một trạm xăng tại trung tâm thành phố, một vũ trường, một cơ sở hàn xì… đều có thể (và đã từng) cướp đi sinh mạng của rất nhiều người khi những quy định về an toàn bị chủ nhân phớt lờ trong sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG