Quãng đường hành chính

Quãng đường hành chính
TP - Các cơ quan hành chính nước ta đã công bố bộ thủ tục. Đây là những thủ tục hiện hành, rải rác ở nhiều văn bản, được thống kê tập hợp lại. Không khỏi xuýt xoa, quả là một rừng thủ tục hành chính.

Bộ Tài chính có 840 thủ tục, Bộ NN-PTNT có 468 thủ tục, Bộ GT-VT có 420 thủ tục, Bộ LĐ-TB&XH có 281 thủ tục, Bộ TN&MT có 212 thủ tục. Thành phố Hải Phòng có 1.137 thủ tục ở 19 sở ban ngành; tỉnh Khánh Hòa có 215 thủ tục ở một huyện điểm.

Ông Ngô Hải Phan, Tổ phó thường trực Tổ Công tác Chuyên trách Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cho biết: “Cả nước có 5.500 bộ thủ tục hành chính ở bốn cấp với 7.600 văn bản quy định, 89.000 mẫu biểu thống kê thủ tục hành chính”.

Những con số đã rất lớn nhưng chưa hết. Các bộ và các địa phương khi công bố bộ thủ tục hành chính đã nói là còn tiếp tục cập nhật, bổ sung danh sách thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính là quãng đường phải vượt qua của người dân khi có việc đến với chính quyền, cũng như chính quyền đến với người dân.

Thủ tục càng nhiều quãng đường càng xa, thủ tục càng nhiêu khê quãng đường càng trắc trở, thủ tục càng rối rắm mập mờ càng nảy sinh nhiều tiêu cực.

Còn nhà nước thì còn thủ tục hành chính. Người dân không sợ thủ tục hành chính, nhiều khi còn mong muốn là đằng khác. Người dân chỉ sợ thủ tục hành chính không rõ ràng, thống nhất.

Trong cơ man thủ tục hành chính đã công bố, chắc chắn có không ít sự thiếu nhất quán, khó hiểu, khó áp dụng và cả thiếu cơ sở pháp lý.

Những điều này kéo dài khoảng cách giữa người dân với chính quyền. Người dân và cả cán bộ hành chính, không ít trường hợp bị cuốn vào vòng xoáy thủ tục. Tốn kém, lãng phí, không kể hết.

Tiếp theo giai đoạn công khai bộ thủ tục hành chính, đến giai đoạn rà soát để loại bỏ sự chồng chéo, lạc hậu, thiếu nhất quán.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác Chuyên trách Cải cách Thủ tục Hành chính của Chính phủ, cho biết, sau rà soát sẽ đơn giản hóa, loại bỏ khoảng một phần ba thủ tục hành chính hiện nay. Quả là thông tin tốt lành.

Pháp luật tiến bộ đã pháp trị hóa sự tin cậy trong xã hội, các cam kết được thực thi nếu không sẽ có chế tài, mọi công dân, mọi tầng lớp đều bình đẳng. Quản lý hành chính để thúc đẩy phát triển, chứ không phải cấm đoán, ngăn cản.

Quản lý hành chính hiện đại không đồng nhất với kiểm soát, mà chú trọng nhiều vào hỗ trợ, phục vụ công dân. Cùng với kỹ thuật hành chính minh bạch, đơn giản, rút ngắn quãng đường hành chính, sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực quốc gia để tập trung cho phát triển. 

MỚI - NÓNG