Quyền phán xử

Quyền phán xử
TP - Lại một tuần đầy kịch tính, với những xung đột, tình huống, nút thắt mở có lẽ khó đạo diễn tài ba nào nghĩ ra nổi. Từ vụ án tình tiền hoa hậu/đại gia Nga-Mỹ trong đó mỗi mảng miếng đều được đan cài và đẩy lên tầm mức hiếm thấy. Đến cơn “giông tố” (phần 2) ở Yên Bái xoay quanh tam giác biệt phủ-nhà báo-tiền.

Từ đoạn clip kinh hoàng ghi cảnh tượng chiếc xe container ở Hà Tĩnh lồng lộn hất tung xuống đường sĩ quan cảnh sát giao thông trong tình huống hiểm nghèo buộc phải đu bám vào cần gương chiếu hậu. Đến mộ phần của vợ vua Tự Đức bị san phẳng, hất văng cả bia mộ để làm bãi đậu xe…

Lịch sử có trí nhớ rất tốt, vốn là thế. Nhưng thời nay có kịp, và có đủ sức lưu giữ lại không, tất cả những màn kịch xã hội phức điệu, chồng chéo đang từng ngày xâm chiếm, vượt trên cả thất tình hỷ nộ ái ố… muôn thuở của người đời? Khi bộ nhớ của máy tính ngày càng khiến trí nhớ của con người suy tàn. Và cả xúc cảm, cũng trở nên “bạo phát, bạo tàn” quanh những status? 

Một vụ án quan tham Trần Dụ Châu ở miền Bắc từ hơn 60 năm về trước, nay vẫn khiến nhiều người nhớ rõ. Bởi án tử hình nghiêm khắc dành cho tội phạm vốn là một cán bộ cao cấp của quân đội.  

Ngược lên hàng trăm năm trước, sách sử triều Nguyễn ghi lại việc một đại quan là Thượng thư Bộ Công vốn là công thần lừng lẫy, cuối đời do lạm chi công quỹ trong xây dựng đã bị xử tội đánh trượng và khổ sai hết mức. Các thuộc cấp liên đới tội tham ô cũng đều phải chịu hình phạt nặng nề…  

Hàng loạt các loại dinh cơ, biệt phủ, biệt điện của quan chức không chỉ lộ ra ở Yên Bái mà rộ lên ở khắp mọi miền.

Có vẻ bây giờ ít ai sử dụng hai chữ "hiện thực", kể cả trong văn chương nghệ thuật. Không như những thời trước. Bức tranh hiện thực đang “bạo phát”, bề bộn với đủ cung bậc, cảnh huống mà ngay ông “vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng, hay “vua” kịch nói thời cuộc Lưu Quang Vũ dẫu tái thế có lẽ cũng phải bối rối.

Một hiện thực khó thể chờ đợi giờ phán xử của lịch sử. Vì chờ đợi sẽ quá lâu. Dẫu biết, như nhà sử học kiêm triết gia người Mỹ Will Durant, người sống gần trọn thế kỷ 20 từng nói đại ý, rằng các sử gia là những kẻ bi quan. Bởi họ chỉ chú tâm ghi lại dòng chảy hiện thực đầy rẫy trộm cướp và tiếng la hét, mà ít nhìn sang hai bên bờ - nơi những nền văn minh bám rễ, “con người dựng tổ ấm, yêu nhau, nuôi dưỡng con cái, ca hát, làm thơ và thậm chí dựng tượng”.

Nhưng dù thế nào, quyền phán xử không hẳn thuộc về số đông chúng ta. Chỉ quyền lực chân chính mới có thể phán xử quyền lực.

MỚI - NÓNG